Ho là một trong những lí do khiến bệnh nhân phải đi khám nhiều nhất.
-
1
Ho có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, đây là một triệu chứng gặp trong nhiều bệnh chứ không phải là một bệnh. Ho chính là một phản xạ bảo vệ thông thường nhằm tống chất nhày, dịch tiết hoặc các dị vật trong đường thở ra ngoài, làm sạch đường hô hấp. Tuy nhiên, ho nặng và kéo dài gây mệt mỏi và khó chịu, thậm chí có thể ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày và rối loạn giấc ngủ.
Triệu chứng ho có thể xuất hiện đột ngột, cấp tính (dưới 3 tuần) hoặc kéo dài (trên 3 tuần). Ho cấp tính, thường xuất hiện ở những người bình thường có tiền sử khoẻ mạnh, thông thường nhất là do nguyên nhân viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi xoang, viêm phế quản phổi. Kèm theo với triệu chứng ho có thể là sốt, đau họng hoặc thậm chí đau ngực, khó thở. Ho thường kèm theo khạc đờm đục và thường giảm dần trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng ho có thể kéo dài từ 3 đến 10 tuần sau khi hết tình trạng viêm nhiễm. Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn có thể gây ho cấp tính là cơn hen phế quản, dị ứng hoặc suy tim. Các trường hợp này thường không biểu hiện dấu hiệu viêm nhiễm nhưng lại có các triệu chứng khác gợi ý về từng nguyên nhân gây ho.
-
2
Ho kéo dài cũng có nhiều nguyên nhân. Cần phải khai thác kĩ về tiền sử bệnh tật, nghề nghiệp, thói quen hút thuốc, môi trường sống cũng như đặc điểm của triệu chứng ho, sau đó tiến hành nhiều thăm dò phù hợp mới có thể xác định chính xác nguyên nhân để điều trị dứt điểm ho mạn tính. Nhiều trường hợp chỉ có duy nhất triệu chứng ho, không hề có các dấu hiệu toàn thân, nhưng cũng có khi kèm theo một số rối loạn khác như đầy hơi, ợ nóng, hay gầy sút, khó thở,… Cảm giác nóng rát sau xương ức, ợ hơi, ho nhiều về đêm và sáng, khàn giọng là những triệu chứng gợi ý bệnh nhân bị ho do hội chứng trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Ho kéo dài có thể xuất hiện ở người hoàn toàn khoẻ mạnh, hoặc có tiền sử bị hen, hay khò khè, khó thở nhất là về ban đêm. Những người bị viêm mũi dị ứng hay viêm xoang có thể ho mạn tính do sự chảy dịch vùng mũi sau khích thích dẫn tới ho.
Ho là một trong những lí do khiến bệnh nhân phải đi khám nhiều nhất. (ảnh minh họa)
Đặc biệt, ở những người cao tuổi trước đây hay bị viêm phế quản hoặc hút thuốc lá, thuốc lào nhiều, người có tiền sử làm việc trong môi trường khói bụi, khói thuốc, hoá chất độc hại, khi có triệu chứng ho kéo dài cần phải nghĩ ngay tới bệnh phổi mạn tính hay ung thư phế quản phổi. Các bệnh nhân tăng huyết áp có thể bị ho kéo dài, thường là ho khan, cần tìm nguyên nhân là tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp (nhóm thuốc ức chế men chuyển). Triệu chứng ho sẽ mất đi khi thay thế nhóm thuốc khác. Những người tăng huyết áp lâu ngày, kiểm soát huyết áp không tốt, hay những người có bệnh lí tim mạch khác, khi xuất hiện triệu chứng ho dai dẳng, ho khan hoặc có đờm trắng, kèm theo khó thở thì cần được kiểm tra chức năng tim, vì đây cũng là một nguyên nhân không phải là hiếm gặp.
-
3
Muốn điều trị khỏi hẳn ho phải xác định được và điều trị đúng căn nguyên gây ho, nhất là các trường hợp ho dai dẳng kéo dài. Quan trọng nhất trong điều trị ho là điều trị các nguyên nhân gây ho. Nhiễm trùng đường hô hấp cần điều trị kháng sinh thích hợp, hen phế quản điều trị bằng các thuốc có tác dụng chống co thắt phế quản. Điều trị thuốc chống dị ứng cho các trường hợp viêm mũi xoang dị ứng… Ho do suy tim cần phải được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng. Một nguyên nhân khá phổ biến nhưng cũng hay bỏ xót là do trào ngược dạ dày, cần phải được điều trị bằng các thuốc giảm tiết a-xít mới chữa được ho… Còn thực tế, điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm ho hay tiêu đờm thường ít hiệu quả. Người bệnh thường có xu hướng lạm dụng thuốc này, thường mong muốn hoặc yêu cầu được kê đơn, thậm chí tự mua uống.
Ho là cơ chế bảo vệ tốt của cơ thể, làm sạch và thông thoáng đường thở nên cần cân nhắc và chọn đúng thời điểm dùng thuốc giảm ho, đặc biệt là trong các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Chính vì các lí do trên, khi bị ho nhất là ho kéo dài, mọi người không nên tự ý mua thuốc giảm ho để dùng mà cần đi khám để tìm ra đúng căn nguyên và điều trị đúng nguyên nhân. Những bệnh lí nguy hiểm như ung thư hoặc bệnh mạn tính có xu hướng diễn biến ngày một xấu đi nếu không được điều trị kịp thời, nhờ đó mà có cơ hội được phát hiện sớm hơn và điều trị hiệu quả hơn.