Nằm ở làng Cù Lao, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, Khánh Hoà, Tháp Bà là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi tháp Chăm được xây dựng từ thế kỉ VIII đến thế kí XIII.
Quần thể kiến trúc Tháp Bà được xây dựng trên ngọn đồi đá hoa cương cao khoảng 30m tên là Cù Lao, cách thành phố Nha Trang 2km về phía Bắc. Xưa quần thể Tháp Bà có 6 ngôi kalan, tháp thờ và một số công trình phù trợ. Tổng thể kiến trúc này là một công trình có quy mô lớn nhất và có vai trò quan trọng trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc tôn giáo Chăm.
Hiện nay khu tháp chỉ còn lại 4 ngôi, được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm, gạch xây rất khít mạch không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, đâu đó thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Ponagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử…
Trong 4 ngọn tháp, tháp lớn nhất là tháp thờ nữ thần Mẹ Xứ Sở – tháp Pônaga. thường được gọi là Tháp Bà. Tháp có 4 tầng, cao 22,48m, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở 4 góc có 4 tháp nhỏ, trên tháp có hình kim tự tháp. Phía trong tháp có pho tượng Pônagar được làm bằng đá sa thạch nguyên khối, ngồi xếp bằng trên toà hoa sen.
Quần thê kiến trúc Tháp Bà là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa. Hàng năm nhân dân đến lễ bái rất đông và cứ 22 – 3 âm lịch hàng năm lễ hội Tháp Bà lại được tổ chức, thu hút hàng vạn người từ các nơi về dự.