Muốn con mình thoát án tử, nhiều người mẹ đã âm thầm chịu đựng búa rìu dư luận, nỗi đau của lòng mẹ quặn thắt khi người đời cay đắng: “Tội ác như vậy mà cũng mở lời xin tòa tha tội chết cho con mình”. Và tôi đã gặp những người mẹ như thế.
Thông tin 10.000 người ký tên xin cho Vũ Văn Tiến thoát án tử hình đã khiến nhiều người giật mình. Nhưng xét kỹ lại, bỏ qua những hoài nghi thì cái mà mọi người thấy được từ thông tin trên chính là một tình mẹ bao la biển cả, làm tất cả để con được thoát án tử.
Để làm được điều này chắc hẳn mẹ của bị cáo Tiến đã trải qua một hành trình gian nan, đau đớn, dằn vặt của lương tâm, của dư luận. Câu nói đầy đau đớn người mẹ này đã từng thốt lên: “Tôi biết có tội phải đền tội. Nhưng tôi…”!
Tôi có cơ hội tham dự hàng ngàn phiên tòa xét xử những bị cáo phạm tội giết người, cướp của. Không ít những vụ án người ta bắt gặp bóng hình của những người mẹ già nua, khắc khổ nép mình bên hông tòa án để nhìn mặt con lần cuối rồi mãi mãi rời xa núm ruột của mình, rời xa đứa con mình đã mang nặng đẻ đau, nuôi nấng nên dáng nên hình.
Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con.
Tôi còn nhớ hình ảnh người mẹ già quê An Giang lầm lũi trong chiếc áo bà ba bấu chặt cánh cửa TAND TPHCM khi chiếc xe tù lăn bánh mất dạng vào dòng xe cộ đông như mắc cửi của đường phố Sài Gòn – vốn quá xa lạ với người mẹ này.
Người mẹ ấy có tất cả 14 người con, đứa nào lớn lên bà cũng dựng vợ gả chồng, lo cho con cuộc sống ổn định. Chỉ riêng đứa con trai út đã đi vào con đường tội lỗi khi rời vòng tay mẹ.
“Giết người, cướp của là một tội ác trời không dung, đất không tha nhưng tui chỉ mong tòa tha cho nó, nó còn quá trẻ chưa hiểu chuyện đời, chuyện người. Hay là tòa cho tui chết thay con?”, người mẹ này run rẩy, lắp bắp trình bày với chủ tọa.
Sơ thẩm tử hình, phúc thẩm hủy án, rồi lại sơ thẩm rồi lại phúc thẩm. Mỗi lần tòa triệu tập chỉ duy người mẹ này đã vượt sông đón xe đò lên thành phố khi mọi người vừa an giấc. Không có tiền thuê nhà trọ, bà ra bến xe ngủ nhờ. Để tiết kiệm tiền, bà đi bộ đến tòa án.
Cô luật sư chỉ định bào chữa cho con bà đã bao lần chạnh lòng muốn khóc vì tình cảm của người mẹ này dành cho chị rất đặc biệt. Có bữa, bà lên Chí Hòa thăm con mang toàn là thứ con thích nào là bánh trái, chuối, cà. Trước khi vào trại, bà gởi lại cảnh vệ một bao đồ đựng trong chiếc túi xù xì, cũ kỹ.
Thăm con xong, bà lại lật đật, tất tả mang “giỏ quà” ra tặng cô luật sư đã giúp đỡ con mình. Anh cảnh vệ tò mò hỏi “cái gì trong đó”, bà lật đật mở giỏ rồi thất thanh “Trời ơi, nó chết rồi. Chắc đi xe chật chội quá nên nó chết rồi”.
Cảnh vệ chưa hiểu chuyện gì thì bà bảo bà mang cho cô luật sư 2 con gà mái và một trái mít. Một con chết nên bà không biết “xử lý” nó như thế nào.
Con bà sau này không thoát án tử. Lần cuối tôi gặp bà tại phiên phúc thẩm ở tòa tối cao. Người mẹ này ngã dưới sân tòa rồi thảng thốt: “Về đi, thôi hết rồi”.
Vậy đó, có những thứ người ta không thể cân đo đong đếm và ở tòa án là nơi chứng kiến bao cảnh chia ly. Tình mẫu tử đôi khi không thể thay đổi được tình thế nhưng cái mà người ta cảm nhận được có lẽ là tình mẹ. “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”…
Nguồn: Theo Người Lao Động
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.