Tôi từng giữ điều này như một bí mật chôn sâu. Nhưng giờ đây, tôi không còn một mình và chắc chắn, câu chuyện của tôi có thể giúp đỡ những người khác.
Cách đây 10 năm, tôi mang thai đứa con đầu lòng. Khi đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ, tôi đã sử dụng một đơn thuốc gấp nhiều lần liều lượng cho phép với mong muốn kết liễu cuộc đời, và cùng với đó là đứa con chưa chào đời của tôi.
Nhà văn, nhiếp ảnh gia Casey Mullins: “Tôi bị mắc chứng bệnh ốm nghén nghiêm trọng suốt thai kỳ”
Có lẽ mọi người đều nghĩ, tự vẫn khi đang mang thai là một ý tưởng điên rồ. Nhưng lúc đó, tôi mệt mỏi, chán chường và thấy như mình vô phương cứu chữa. Tôi nôn hàng ngày, vài ngày một lần, trong suốt quãng thời gian mang thai. Ngược lại với các thai phụ khác, tôi tụt mất hơn 25kg và chịu đựng vô số những ảnh hưởng sức khỏe từ việc thường xuyên nôn nghén. Bất kể tôi ăn gì hay uống gì, mọi thứ đều bị tống ra ngoài trong những cơn co thắt và nôn thốc tháo ít nhất 5 lần/ngày. Tôi thấy mình như sống trong địa ngục.
Tôi muốn được chữa trị và từng cầu mong sự giúp đỡ. Nhưng hầu như tất cả đều cho rằng ốm nghén là chuyện bình thường của các bà bầu. Thay vì nhìn nhận điều này như một căn bệnh cần điều trị, mọi người coi tôi như một người phụ nữ yếu đuối và không đủ sức khỏe. Nghỉ ngơi nhiều vào, cố gắng ăn thật tốt – đó là tất cả những người ta nói!
10 năm trước, hội chứng nôn nghén (hyperemesis gravidarum – HG) còn là điều xa lạ và thực tế, chứng bệnh này chỉ thu hút sự chú ý khi vào năm 2012, công nương Kate Middleton mắc phải và phải chịu đựng sự ốm nghén nặng hơn mức bình thường trong suốt thai kỳ.
Vậy đấy, tôi bị mắc chứng bệnh nôn nghén khi mang thai. Chuyện nghén trong thời kỳ đầu của thai kỳ – điều rất bình thường với hàng triệu phụ nữ, đã biến thành chứng bệnh nghiêm trọng đối với tôi. Những cuộc “viếng thăm” phòng cấp cứu, làm quen với đủ loại dây rợ lòng thòng, từ dây truyền qua mũi để ăn xông, đến đường truyền tĩnh mạch, từ những đe dọa não của bé có thể bị tổn thương, đến việc xói mòn thực quản của người mẹ. Nhưng chưa đủ tồi tệ, tôi còn mắc chứng trầm cảm trước khi sinh, trong khi các bà mẹ thường mắc chứng trầm cảm sau sinh thì tôi chẳng cần đợi đến lúc em bé ra đời để trải nghiệm điều này.
Bầu bì, ốm nghén nặng và trầm cảm!
Với tất cả những điều tồi tệ đó khiến tôi như muốn nổ tung. Tôi muốn gào lên mỗi khi cảm nhận được bé con xoay xoay trong bụng. Tôi muốn hét lên rằng hãy ngừng lại đi, và thầm ước con bé biến mất. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác muốn đấm vào bụng mình như thế nào, nhưng đơn giản là không thể vì điều đó khiến tôi tiếp tục nôn ọe. Rồi một buổi sáng, tôi muốn chấm dứt tất cả. Không muốn mang thai, không cần có con, và cũng chẳng màng đến mạng sống. Tôi nuốt và uống tất cả các loại thuốc có thể tìm thấy, và tống thật nhiều thuốc ngủ vào cơ thể để triệt đi phần hơi sức còn lại, để chắc chắn sẽ không nôn ra đống thuốc vừa uống. Cố lết lên giường, tôi không còn biết gì nữa…
Quãng thời gian 9 tháng 10 ngày là một cơn ác mộng đầy ám ảnh. (Ảnh minh họa)
Khi chồng tôi phát hiện, anh vội vã đưa tôi vào bệnh viện. Tôi và thai nhi được cấp cứu, theo dõi suốt ngày đêm với đủ các loại máy móc. Máy trợ tim, dây truyền máu, tiêm tĩnh mạnh, siêu âm và hàng tá những thứ khác khi tôi vẫn mê man trên giường bệnh. Rồi sau đó, tôi được chuyển sang khoa thần kinh của một bệnh viện khác. Tôi chẳng nhớ gì về cái ngày định mệnh ấy, ngoài việc một cảm giác nặng nề, đau đớn và chán nản khi tự vẫn không thành.
Làm bệnh nhân nội trú là một điều kinh khủng, nhưng chí ít, tôi cũng có thể nhẹ nhàng hơn khi mọi người đã nhìn nhận căn bệnh của mình một cách nghiêm túc. Rồi tình bạn, sự cảm thông của những bệnh nhân xung quanh khiến tôi thấy mình được chia sẻ. Chúng tôi đều điên rồ, nhưng ở nơi đây, điên rồ lại là một điều bình thường và nó đem lại cảm giác an toàn. Trong cuộc sống thường nhật, nếu tôi nói với ai đó rằng mình đã từng cố tình dùng thuốc quá liều khi mang thai, hẳn mọi người sẽ “sốc” và nhìn tôi với tất cả sự khinh miệt. Nhưng ở đây, các bệnh nhân khác hỏi xem tôi đã uống thuốc gì và được chữa trị ra sao.
Sau 4 ngày, tôi được cho ra viện với sự giám sát của một bác sĩ chuyên khoa thần kinh, một bác sĩ khoa sản và một nhân viên hoạt động xã hội. Tôi được kê đơn thuốc để chống lại bệnh trầm cảm, nhưng điều này cũng khiến tôi tê liệt mọi cảm xúc. Trống rỗng là tất cả những gì tôi cảm nhận được.
Những tháng cuối của thai kỳ, tôi sống trong sự chăm sóc, đúng nghĩa hơn, là sự trông coi và giám sát của gia đình và bác sĩ. Dù vậy, người sắp làm mẹ như tôi chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hay phấn khích trước việc cô con gái bé bỏng sắp chào đời. Tôi chỉ biết, mình có trách nhiệm phải chăm sóc tốt bản thân và bé con trong những tuần cuối cùng khi mang thai. Tôi sinh con khá thuận lợi, nhưng xúc cảm duy nhất là việc thở phào nhẹ nhõm, bởi suy nghĩ sau khi con bé chào đời, cũng là lúc tôi có thể chào tạm biệt với hàng tá các loại thuốc và các phác đồ trị liệu.
Tạ ơn trời đất, con tôi khỏe mạnh từ lúc sinh ra. Nhưng tôi vẫn tiếp tục cơn ác mộng của mình trong cuộc chiến với bệnh trầm cảm sau sinh trong hơn 1 năm trời.
Suy nghĩ mang thai lần nữa khiến tôi sợ hãi. Lại ốm, lại nghén, lại trầm uất trước và sau sinh! Tất cả những điều đó trở nên quá sức chịu đựng. Nhưng thực tế, tôi lại mang thai sau 3 năm làm mẹ lần đầu tiên. Đúng như dự đoán, một lần nữa, tôi mắc chứng ốm nghén suốt thai kỳ, bị nhấn nhìm trong trạng thái trầm cảm trước khi sinh khoảng 6 tháng. Điều khác biệt là lần này, chúng tôi đều đã chuẩn bị trước tinh thần, và có các phương án phòng bị khi mọi chuyện đi lệch hướng. Dĩ nhiên, tôi nằm trên giường đến hàng tuần, u uất, mệt mỏi với những trận nôn mửa triền miên. Nhưng may mắn, tôi có sự ủng hộ của các bác sĩ, những người bạn cùng gia đình trong suốt thời gian mang thai lần 2. Có lẽ, điều tuyệt vời nhất là tôi đã không bị mắc chứng trầm cảm sau sinh, để có thể thực sự tận hưởng cuộc sống, tận hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ của 2 bé gái và cảm thấy mình thật bình thường như bao bà mẹ khác.
Giờ đây, khi đã hoàn thành xong nghĩa vụ con cái, tôi thầm biết ơn lần mang thai thứ 2 đã để lại trong tôi những xúc cảm và suy nghĩ tích cực về việc mang nặng đẻ đau – thiên chức của người phụ nữ, đồng thời, xóa dần đi những ký ức của 18 tháng dài “địa ngục” mà tôi và các con gái đã phải trải qua.
Có một khoảng cách mong manh giữa trạng trái trầm cảm và hành động tự vẫn! Trong một thời gian dài, tôi từng thề sẽ giữ kín cơn ác mộng và những hành động điên rồ trong lần mang thai đầu tiên. Nhưng tôi biết, mình không phải là người duy nhất phải chịu đựng điều này. Việc chia sẻ đã, đang và sẽ giúp những người phụ nữ đang mang thai trên khắp thế giới, bị mắc chứng bệnh như tôi cảm thấy bớt cô đơn hơn. Tôi không xấu hổ về bản thân vào quãng thời gian 10 năm trước, bởi đó không phải là tôi. Đó là người phụ nữ bị trói buộc trong một cơ thể bệnh tật và một tinh thần khủng hoảng, khiến “cô ấy” nghĩ rằng cuộc sống thật là vô nghĩa.
Vậy đấy, đừng bao giờ nghĩ rằng mình là kẻ vô dụng và cuộc sống này không còn ý nghĩa. Tôi không hy vọng thế giới sẽ lập tức thay đổi cái nhìn với căn bệnh trầm cảm và hành động tự vẫn, nhưng tôi muốn đề cập đến điều này một cách thẳng thắn, cởi mở để giúp đem đến sự cảm thông, chia sẻ, đem đến niềm tin và sức mạnh cho những ai gặp phải tình trạng như tôi – những người phải sống trong suy nghĩ chán chường, đầy tiêu cực, khiến họ tin rằng, cuộc sống thật vô nghĩa và tìm đến cái chết là con đường duy nhất.
Tâm sự của nhà văn, nhiếp ảnh gia Casey Mullins