Trị bệnh tiểu đường bằng dược liệu thiên nhiên

Trị bệnh tiểu đường bằng dược liệu thiên nhiên

Đái tháo đường theo quan điểm của Đông y

Trong Y văn của Y học cổ truyền (YHCT) không có bệnh danh đái tháo đường, nhưng những triệu chứng lâm sàng của tiểu đường như: khát nước, uống nhiều, cảm giác đói, thèm ăn, tiểu nhiều, người gầy, tê bì, dị cảm ngoài da… cũng được YHCT mô tả trong những chứng trạng như Tiêu khát, Ma mộc… Và sau này khi nói đến đái tháo đường hầu như mọi người gọi là chứng Tiêu khát theo YHCT.
Bệnh phát sinh chủ yếu do các nguyên nhân: di truyền, ăn uống bất hợp lý, yếu tố tâm thần kinh, hoặc tửu sắc và lao lực quá độ. Các nguyên nhân này làm rối loạn công năng các tạng phủ, đặc biệt là ba tạng tỳ, phế và thận, từ đó mà phát sinh chứng Tiêu khát.
Vì là bệnh mạn tính nên bệnh nhân mắc phải bệnh đái tháo đường thường được chữa trị trong một thời gian dài, thậm chí suốt đời. Đặc biệt, lâu nay chúng ta hay cho rằng chữa bệnh bằng phương pháp Đông y sẽ tránh được các tác dụng phụ, điều này chưa hẳn đúng. Đã là thuốc, chúng ta cần chú ý liều lượng, loại dược liệu sử dụng có an toàn hay không. Nếu chúng ta sử dụng dược liệu quá liều thì tác dụng phụ đương nhiên sẽ xảy ra.
Trị bệnh tiểu đường bằng dược liệu thiên nhiên

Công dụng của một số dược liệu

Các loại dược liệu sau được dùng làm thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường, chúng có tác dụng tốt và có độ an toàn cao khi sử dụng điều trị trong thời gian dài. Nhưng khi sử dụng dược thảo cho bệnh nhân tiểu đường phải có chỉ định của bác sĩ điều trị, không nên tự mò mẫm, ai nói gì cũng làm theo.
Mướp đắng (khổ qua): Quả mướp đắng có tác dụng làm tăng khả năng dung nạp glucose của bệnh nhân đái tháo đường. Bột quả mướp đắng khô và glucosid chiết từ mướp đắng cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 uống đều hàng ngày đã có tác dụng gây hạ đường máu. Tác dụng có tính chất tích lũy và tăng dần và đường máu hạ xuống gần như mức bình thường sau 4-8 tuần điều trị tích cực. Sau đó, tác dụng hạ đường máu được duy trì với liều mướp đắng bằng một nửa liều ban đầu. Ngày dùng 12-20g bột quả mướp đắng khô tán mịn, chia 3 lần, uống sau các bữa ăn.
Cam thảo đất: Hoạt chất amellin trong cam thảo đất có tác dụng làm giảm đường máu và các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, sự giảm nồng độ đường trong máu và nước tiểu diễn ra dần dần. Nó làm tăng mức dự trữ kiềm bị hạ thấp ở bệnh nhân tiểu đường và giảm hàm lượng các chất tạo ceton trong máu.
Câu kỷ tử: Là quả chín phơi hay sấy khô có tác dụng hạ đường huyết trên động vật đái tháo đường và tác dụng ức chế men aldose reductase. Men này gây tích lũy sorbitol trong tế bào, là nguyên nhân quan trọng sinh những biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường như bệnh về võng mạc, thần kinh và thận. Câu kỷ tử được dùng trị tiêu khát trong Y học cổ truyền. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
Ðịa hoàng (sinh địa): Địa hoàng có tác dụng hạ đường máu trên động vật đái tháo đường. Hoạt chất hạ đường máu là các glycosid iridoid A, B, C và D. Ðịa hoàng cũng có tác dụng ức chế men aldose reductase, làm giảm tích lũy sorbitol trong tế bào, làm chậm phát triển biến chứng đục thể thủy tinh của mắt và giảm các triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân tiểu đường. Cơ chế tác dụng một phần có thể do cải thiện vi tuần hoàn. Ðịa hoàng được dùng phối hợp với các vị khác. Ngày dùng 9-15g, dạng thuốc sắc.
Nhân sâm: Trong thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đái tháo đường, nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt. Nếu dùng nhân sâm phối hợp với insulin thì thời gian hạ đường huyết sẽ kéo dài hơn. Ngày dùng 3-9g, dưới dạng thuốc hãm hoặc dịch chiết bằng cách thái lát mỏng cho vào chén sứ, thêm ít nước, đậy nắp, đun cách thủy đến khi chiết hết mùi vị.
Trị bệnh tiểu đường bằng dược liệu thiên nhiên

Những lưu ý trong quá trình điều trị

Điều trị bệnh đái tháo đường bằng dược liệu thường được kết hợp với nhiều phương pháp khác, vì vậy bệnh nhân cần lưu ý một số điểm trong quá trình điều trị như:
– Cần tập luyện thể dục vừa sức, đều đặn (mỗi ngày đi bộ từ 30-45phút).
– Khẩu phần ăn nên chia làm nhiều bữa để tránh đường huyết tăng sau khi ăn, cụ thể nên hạn chế nhóm tinh bột (cơm, mì, ngô)… vì hàm lượng glucid từ 70-80%, thay vào đó nên ăn khoai tây, miến vì các thực phẩm này ít glucid.
– Dùng nhiều rau quả tươi (bắp cải, súp lơ, cà, bầu bí, cà rốt, khổ qua)… vì rau quả tươi cung cấp nhiều vitamin, muối khoáng, nên ăn nhiều đậu đỗ vì đậu giàu protein. Đặc biệt, chế biến cúng bằng phương pháp luộc, hấp, tiềm, nấu canh hơn là xào chiên.
– Thịt, cá, trứng chỉ nên dùng ở mức độ vừa phải vì sẽ không tốt cho thành mạch máu và thận.
– Tránh không ăn những loại trái cây nhiều đường như dưa hấu, mít, sầu riêng, mãng cầu…
– Không dùng nhiều các đồ ngọt như: đường, bánh, kẹo…
– Đồng thời, cần theo dõi sát sao các triệu chứng cơ năng (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sụt cân) có giảm không. Đặc biệt, kiểm tra chân thường xuyên.

Một số bài thuốc Đông y phổ biến

1. Hành tây: Ðể làm giảm đường máu, bệnh nhân đái tháo đường uống dịch ép hành tây, mỗi buổi sáng một thìa canh, uống liền trong 1-2 tháng sẽ có hiệu quả.
2. Khổ qua, đậu phụ: Khổ qua 150g, đậu phụ 100g. Khổ qua rửa sạch, bỏ hạt, thái miếng. Xào khổ qua cho đến khi gần chín thì cho tiếp đậu phụ vào, cho lửa to một lát là được.
3. Bí đao: Bí đao tươi 100g, rửa sạch, ép lấy nước uống hàng ngày.
4. Cà rốt: Cà rốt tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, ép lấy nước cốt uống hằng ngày.
5. Rễ cỏ tranh 50g, rửa sạch sắc uống thường xuyên.
6. Hòai sơn nấu nước uống hằng ngày.
7. Cát căn (củ sắn dây): nấu nước uống hằng ngày
8. Mè đen 100g nấu nước uống hằng ngày.
Bài viết có sự cố vấn chuyên môn của
PGS.TS.BS Lưu Thị Hiệp
Trưởng Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức 3, Tp.HCM
(Theo SKGĐ)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.