Trung Quốc lên kế hoạch khai thác băng cháy, một nguồn năng lượng có thể chiết xuất khí đốt tự nhiên, ở Biển Đông vào năm 2017.
Thông tin trên được công bố hôm qua trong một cuộc họp báo quốc tế về hydrate tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo đó, các kế hoạch khai thác ban đầu của Trung Quốc sẽ bắt đầu trong ba năm tới.
“Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới có triển vọng khai thác nguồn tài nguyên này”, CRI dẫn lời Zhang Haiqi, người đứng đầu Cục Khảo sát Địa chất, cho hay. Theo Zhang, có khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi trên cả đất liền và trên biển, tương đương với tổng nguồn năng lượng khí gas tự nhiên và dầu của Trung Quốc.
Khí methane cháy sau khi thoát ra từ băng cháy bị nung nóng. (Ảnh: Inhabitat)
Băng cháy hay còn gọi là methane hydrate, cấu tạo từ khí methane nén chặt trong băng bên dưới đáy biển hoặc đóng băng vĩnh viễn. Ban đầu, nguồn năng lượng này được cho là chỉ tồn tại bên ngoài hệ Mặt Trời. Các nhà khoa học sau đó phát hiện băng cháy dưới đáy biển sâu.
Một mét khối băng cháy có năng lượng tương đương với 160 mét khối khí tự nhiên. Với trữ lượng lớn gấp ba lần trữ lượng năng lượng hóa thạch từng được biết tới, băng cháy hiện được xem là nguồn năng lượng tương lai của nhân loại.
Theo ước tính của Bắc Kinh, có khoảng 30 tỷ thùng dầu và một lượng lớn khí tự nhiên dưới đáy Biển Đông, bên cạnh hàng nghìn tấn kim loại quý và khoáng sản đã được phát hiện. Bên cạnh đó, quốc gia này đã tìm thấy một lượng lớn băng cháy có thể phát triển thành nguồn năng lượng thay thế trong tương lai.
Giới chuyên gia nhận định, để đạt được “mỏ vàng” này, Trung Quốc đã và đang sử dụng sức mạnh của mình để đạt quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp, tuyên bố các yêu sách trên Biển Đông.
Tháng 3/2013, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khai thác khí đốt tự nhiên từ băng cháy ở đáy biển Thái Bình Dương, ngoài khơi miền trung nước này.
Theo Vnexpress