Chuyện những “tay ngang” chế tạo được máy móc phục vụ cho đồng ruộng ngày càng xuất hiện nhiều ở ĐBSCL. Mới đây, ở TP Cần Thơ có thêm một loại máy gặt đập liên hợp (GĐLH) ra đời giữa mùa thu hoạch lúa đông xuân khan hiếm nhân công, càng cho thấy nhiều điều hữu ích…
Ông Phạm Hoàng Thắng, chủ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng nói: “Tôi chỉ sáng tạo cải tiến một số bộ phận cho phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay. Với cả cỗ máy chỉ là ở mức chế tạo thôi. Nếu thày Chín không chỉ dẫn, tôi đâu có biết máy GĐLH là gì, đâu có 9 máy vừa xuất xưởng đã được thuê và mua gặt lúa đông xuân 2006-2007 trúng mùa này”. Hoàng Thắng còn cho biết PGs. Ts Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đã tìm đến thuyết phục vào cuộc nghiên cứu chế tạo máy GĐLH, dẫn đi tham quan, tham dự một số cuộc họp liên quan, tiếp xúc với một số nhà khoa học, nhà sản xuất máy, và gợi ý một số ý tưởng quý báu ban đầu.
Đến nay, ngoài một số máy nông dân Long Mỹ (Hậu Giang) đã mua và ở Thốt Nốt đang gặt thuê, đội thu hoạch lúa thuê của DNTN Hoàng Thắng gặt đợt đầu gần xong trên 300 công lúa giống ở nông trại của Viện Lúa ĐBSCL. Vì sao loại máy GĐLH chưa kịp đặt tên này lại “trụ được”? Lý do trước hết là “phù hợp” với điều kiện sản xuất: Máy nhỏ, 1 ngày có loại gặt được 1 ha, có loại gặt 2 ha, cơ động dễ dàng, trên một ruộng có thể đồng thời vận hành 2-3 máy. Trong quá trình vận hành, lúa mới gặt được sàng lọc phân loại như nhiều máy khác, nhưng loại máy này có thêm bộ phận tiếp nhận số lúa còn chưa sạch và chuyển ngay về bộ phận sàng lọc lại nhằm đạt tiêu chuẩn lúa giống. Tỷ lệ hao hụt thấp hơn nhiều loại máy, như đánh giá của Ks Định – kỹ thuật viên Phòng Cơ cấu cây trồng, Viện Lúa ĐBSCL trực tiếp theo dõi nghiệm thu, tỷ lệ hao hụt độ 1%. Tỷ lệ này, cũng như nhiều chỉ tiêu khác sắp tới sẽ được xác định một cách khoa học. Ở Việt Nam, sự tổn thất này được đánh giá gồm 1,3-1,7% khi gặt, 1,2-1,5% khi vận chuyển; 1,4-1,8% khi tuốt lúa.
Ông Phạm Hoàng Thắng bên cạnh máy gặt đập liên hợp do
DNTN nhựa Hoàng Thắng sản xuất. (Ảnh: H.V)
Giá máy này khoảng 50 triệu đồng/máy, như vậy hợp với túi tiền của nông dân hơn. Trong khi máy GĐLH của Viện Cơ điện NN và CN sau thu hoạch, của DNTN Chính Nghĩa, cơ sở Nguyễn Đức Hoàng ở An Giang, Vinapro… đều có giá trên 100 triệu đồng. Còn máy nhập từ Trung Quốc giá 175 triệu đồng. Rất mừng là ở TP Cần Thơ còn có máy GĐLH do ông Năm Sanh ở Thốt Nốt dày công nghiên cứu chế tạo, đã có máy xuất xưởng và có một số ưu điểm vượt trội, giá khoảng 70-80 triệu đồng.
Điểm có thể coi là quan trọng nhất là “con người” phù hợp với công việc chế tạo máy nông nghiệp. Cũng như ông Năm Sanh, chủ DNTN Hoàng Thắng đều thuộc loại “tay nghề vượt học vấn” như cố GsVs Trần Đại Nghĩa đã nói. Khi ở xưởng chế tạo cũng như khi vận hành ngoài đồng, Hoàng Thắng đã “ba cùng” với vài chục thợ của mình điều chỉnh máy ngay khi cần. Như khi Ks Định báo gặt sang ruộng lúa giống OM 4495 và OM 4498 khó ra hạt, máy đã được điều chỉnh vừa lòng “thượng đế” ngay.
Về hiệu quả, nếu thuê máy GĐLH trên diện tích 1 ha cho đến khâu đóng bao mang lúa lên bờ bao, chủ ruộng phải trả 1,2 – 1,3 triệu đồng. Nếu thuê gặt thủ công, khâu gặt nặng tiền nhất, từ 600.000 đồng đến 1.200.000 đồng, tùy theo thời điểm; khâu thu gom, vận chuyển và đập suốt lúa 800.000 đồng; nếu đốt đồng theo tập quán lại phải thuê 200.000 đồng ôm rơm rạ rải lại ra ruộng. Tính ra, tổng chi phí dao động từ 1,6 đến 2,8 triệu đồng, tùy theo khi dễ hay khó thuê công, mà xu hướng thì ngày một hiếm lao động nông nghiệp. Như vậy, chủ ruộng sẽ giảm chi được từ 400.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Chủ máy GĐLH trừ chi phí 250.000/ngày, cũng lời 950.000 đồng, chưa khấu hao.
Quá trình giảm được lao động sản xuất lúa chuyển sang công nghiệp khó khăn nhất, tỷ lệ cơ khí hóa còn thấp nhất, nên tốn nhiều lao động phổ thông là ở khâu thu hoạch. Dùng máy chỉ 3-4 người/máy/ha; gặt tay phải thuê từ 20 – 24 người, vậy mỗi ha giảm đến 20 lao động thu hoạch lúa.
Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 1.800 máy gặt xếp dãy và mới có 90 máy GĐLH. Để cơ giới hóa thu hoạch 80% diện tích lúa, ĐBSCL cần tới 25 vạn máy công suất 2 ha/ngày. Nhà nước đã quan tâm đến vấn đề này, như ưu đãi lãi suất vay tiền mua máy gặt, đầu tư nhiều đề tài nghiên cứu phát triển, tổ chức những đợt bình tuyển máy GĐLH rất bổ ích như đợt bình tuyển tháng 6 vừa qua (2006) ở Nông trường Sông Hậu. Thế nhưng, cũng như đối với nhiều dự án/đề tài nghiên cứu phát triển khác, hình như chỉ quan tâm nhiều đến đề tài do vốn Nhà nước cấp rồi nghiệm thu đủ thủ tục, mà chưa quan tâm đúng mức những sáng kiến của dân, do dân tự bỏ vốn làm, dù đã có thành phẩm phục vụ sản xuất.
Số máy GĐLH hiện có ở ĐBSCL so với yêu cầu còn quá ít. Để phát huy tốt những doanh nghiệp nhỏ lẻ đã có sản xuất được máy GĐLH, rất cần hình thức tổ chức hợp tác thích hợp, trên cơ sở cùng có lợi. Có như vậy thì việc rút lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp mới thuận lợi hơn.
GsTs Nguyễn Văn Luật
Theo Báo Cần Thơ