Úc phát triển vải tự làm sạch khi tiếp xúc với ánh sáng

Một loại vải mới sử dụng ánh sáng để phân hủy các hợp chất hữu cơ tạo nên vết bẩn, đang được phát triển bởi các nhà nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Viện Đại học RMIT) ở Melbourne (Úc).


Hình phóng đại 150.000 lần cho thấy các cấu trúc nano nằm trên vải. (Ảnh: Phys.org).​

Để thực hiện điều đó, họ đã chèn thêm các cấu trúc nano được làm từ đồng và bạc vào vải, bằng cách nhúng vải vào dung dịch chứa các kim loại này trong vòng 30 phút. Khi ánh sáng mặt trời tiếp xúc với kết cấu, các electron năng lượng cao sẽ được giải phóng, phá vỡ những phân tử hữu cơ. Trong quá trình thử nghiệm, nhóm nhà khoa học nhận thấy vết bẩn trên vải hoàn toàn tan biến chỉ sau khoảng 6 phút.

“Lợi thế của vải là chúng đã có sẵn một cấu trúc 3D, nên cho khả năng hấp thụ ánh sáng tuyệt vời, từ đó tăng tốc quá trình phân hủy các chất hữu cơ”, tiến sĩ Rajesh Ramanathan – người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết. “Vẫn còn nhiều việc cần phải làm, trước khi chúng ta có thể nói lời chia tay với máy giặt. Tuy nhiên, thành công này đã đặt một nền tảng vững chắc, cho sự phát triển của một loại vải tự làm sạch trong tương lai”.

Hạn chế của phương pháp nói trên là nó vẫn chưa thể làm sạch các vết bẩn mà chúng ta thường phải đau đầu để giặt sạch, chẳng hạn như nước sốt cà chua hay rượu vang đỏ. Đó chắc chắn sẽ là vấn đề mà các nhà khoa học cần giải quyết, trước khi sử dụng kỹ thuật này ở quy mô công nghiệp.

 

Theo Tinhte