Ung thư dạ dày: Viêm loét lâu ngày “thần chết” báo trước

Hiện nay, ung thư dạ dày là nhóm ung thư khá phổ biến. Bởi, đây là bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đồ ăn, thức uống hàng ngày. Cho nên, nguyên nhân của bệnh ung thư dạ dày xuất phát từ thói quen ăn uống và lối sống hàng ngày. 

Ông Nguyễn Tứ (65 tuổi, Hà Nội) có tiền sử đau dạ dày hàng chục năm nay. Tuy nhiên, do thói quen ăn uống không kiêng khem cẩn thận nên mỗi lần ăn đồ chua, đồ rán hoặc đồ cay vào, ông lại phải chịu đựng những cơn đau hành hạ. Cũng một phần do chủ quan, nên hàng chục năm qua, ông sống chung với căn bệnh đau dạ dày mà không hề lo cho sức khỏe. 

“Cách đây mấy năm, tôi từng có triệu chứng xuất huyết dạ dày nhưng sau đó vào viện cấp cứu lại khỏe bình thường. Về nhà ăn uống cũng có lúc đau dạ dày nhưng cơn đau không nặng nên tôi cũng chủ quan. Mới đây, tôi có triệu chứng nặng bụng, đi ngoài phân đen, ăn vào buồn nôn thậm chí nôn giữa bữa ăn… đi khám bệnh viện mới biết bị ung thư dạ dày”, ông Tứ nói.

Viêm, loét dạ dày tá tràng là một bệnh khá phổ biến, với chừng 5 – 10% dân số có viêm loét dạ dày tá tràng trong suốt cuộc đời mình và nam giới hay gặp gấp 4 lần nữ giới. Ngoài ra nhờ nội soi, người ta còn phát hiện khoảng 26% bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng mà không hề có triệu chứng đau, cũng như khoảng 30 – 40% có đau kiểu loét dạ dày tá tràng nhưng lại không tìm thấy ổ loét.

Không chỉ có viêm loét dạ dày là nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư mà thói quen ăn uống không cẩn thận cũng dễ dẫn đến căn bệnh đáng sợ này. Theo các nghiên cứu, người có thói quen ăn các đồ chiên, rán ở nhiệt độ cao dễ mắc ung thư dạ dày như gà rán, đậu phụ rán, gà nướng… bởi để có thể làm chín thực phẩm, người nấu phải cho nguyên liệu vào những chảo dầu hơn 100 độ C và thậm chí cao hơn nữa. Khi thực phẩm bị nướng trong nhiệt độ như vậy sẽ sinh ra chất  acrylamid – một chất gây ung thư.
Chị Th (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa được chẩn đoán có khối u ác tính trong dạ dày. Đây là điều chị không nghĩ tới, nhưng sau khi được bác sĩ chẩn đoán chị mới phát hiện chính thói quen ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến dạ dày của chị.
“Khi còn học cấp 3, tôi thường ăn đồ cay, nóng. Thậm chí, có lúc đi ăn phở cho bao nhiêu tương cũng không đủ cay. Sau đó xuất hiện những cơn đau dạ dày do viêm loét. Ngoài ăn đồ cay, tôi cũng thường xuyên ăn các đồ chiên, rán và đồ muối như dưa, cà… làm cho vết loét ngày càng nặng hơn”. chị Th chia sẻ.
Có thể thấy, dạ dày là nơi tiếp nhận thức ăn từ bên ngoài vào cơ thể. Cho nên, đây là cơ quan hàng ngày phải làm việc để tiêu hóa thức ăn, nếu ăn bất cứ đồ ăn nào có chất độc sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể không riêng gì dạ dày. 

Nguyên nhân, dấu hiệu của ung thư dạ dày

Nguyên nhân của ung thư dạ dày là do chế độ ăn ít các chất rau, củ, quả, chất xơ, chủ yếu ăn đồ chiên, rán, nhưng đồ ăn có nhiều dầu, mỡ hoặc các đồ ăn muối chua như dưa, cà muối. Do những vết loét lâu ngày không được chữa khỏi dứt điểm, loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc nhầy của dạ dày, gia đình có người bị ung thư dạ dày thì thế hệ sau có nguy cơ cao hơn, thiếu máu và hút thuốc lá nhiều.
Dấu hiệu của ung thư dạ dày có thể là sốt, sụt cân nhanh, mệt mỏi, đại tiện ra phân đen, cảm giác chướng bụng, buồn nôn khi ăn hoặc sau khi ăn.
Tuy nhiên, do những triệu chứng mơ hồ ban đầu khiến nhiều người không nhận ra hoặc nhầm tưởng đó chỉ là những cơn đau dạ dày thông thường. Cho nên có người chủ quan không đi khám, thậm chí nhiều người không có thói quen đi khám thường xuyên dẫn đến khi khối u đã chuyển sang ác tính, giai đoạn muộn rất nguy hiểm. Vì vậy, ngoài chế độ ăn uống hợp lý thì cần xây dựng thói quen đi khám sức khỏe, tầm soát ung thư dạ dày.
Đông Ngân
 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.