Amelia Karraker – Trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời là trợ lý Giáo sư về Gia đình học và Phát triển Con người tại Đại học Lowa cho biết: “Có sự khác biệt giữa việc bạn không làm bữa tối vì quá mệt với việc bạn nằm liệt trên giường và cần ai đó bón cho ăn mỗi ngày. Bệnh tật khác sự đuối sức nhất thời và thực sự là thứ có thể thay đổi động lực của cuộc hôn nhân. Vợ hoặc chồng mắc bệnh mãn tính là dấu hiệu báo trước của khủng hoảng tài chính và ly hôn”.
Karraker đã thu thập dữ liệu về tình trạng sức khỏe trong 20 năm chung sống của 2.701 cặp vợ chồng tại Mỹ. Tất cả những cặp đôi này đều đã có tuổi (thấp nhất là 51). Nhóm nghiên cứu tập trung vào bốn bệnh phổ biến trong gia đình, bao gồm: ung thư, bệnh tim, bệnh phổi và đột quỵ.
Kết quả cho thấy, 32% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng việc ra tòa, 24% các cuộc hôn nhân kết thúc vì một trong hai người đột ngột qua đời. Việc ly hôn phần lớn là xảy ra với các cặp vợ chồng trẻ và góa bụa thường thấy ở các cặp vợ chồng cao tuổi. Điều đáng chú ý ở đây là, khi nhìn vào kết quả thông kê về ly hôn, nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ ly hôn sẽ cao hơn 6% nếu người vợ mắc bệnh. Trong khi đó, tình trạng sức khỏe của người chồng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sự sống còn của cuộc hôn nhân.
Nhưng trước khi kết tội các đức lang quân vô tình bạc nghĩa, bạn nên biết rằng đôi khi quan hệ vợ chồng rạn nứt không phải vì họ muốn mà vì họ đã cố nhưng không cứu vãn được. Nghiên cứu của Amelia Karraker cho thấy, khả năng chăm sóc và mức độ quan tâm đóng vai trò lớn đối với sự sống còn của hôn nhân.
Không như phụ nữ, đàn ông hiếm khi được dạy để đóng vai người chăm sóc, vì vậy họ khó mà làm tốt được nhiệm vụ đó. Thái độ bất mãn (dù trong vô thức) và sự vụng về của chồng không thể giúp người vợ cảm thấy khỏe hơn khi họ đang nằm liệt giường, vậy nên rạn nứt tình cảm là điều khó tránh khỏi.
Nhóm nghiên cứu nhận định rằng, trải nghiệm sinh tử có thể khiến con người phải đánh giá lại những điều được coi là quan trọng trong cuộc đời họ. Khi bạn bị ốm, chưa chắc chồng bạn đã muốn rũ bỏ trách nhiệm và “bỏ chạy” mà chính bạn sẽ là người đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân. Bạn sẽ nhìn rõ được sự lóng ngóng của chồng và sẽ cảm thấy khó chịu. Mặt khác, bạn cũng sẽ nảy sinh tâm lý mình đang làm phiền người khác và muốn ra đi để xóa bỏ điều này.
Karraker cho biết: “Tôi nghĩ rằng nghiên cứu đã cho thấy những tổn thương tiềm năng trong các mối quan hệ xã hội đối với phụ nữ mắc bệnh mãn tính. Bệnh tật sẽ hạn chế bạn giao tiếp và kết nối với người khác, từ đó khiến bạn càng thêm bi quan với thể trạng của mình. Rõ ràng là suy giảm sức khỏe sẽ khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ trầm cảm cao hơn, nhưng đó chưa phải tất cả. Giờ đây hãy cẩn trọng với cả nguy cơ ly hôn”.
Nguồn: Theo Medical Daily
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.