Các cặp đôi kết hôn vì tình yêu thì ly hôn nhiều hơn (quả thật là kỳ quặc). Người ta giải thích điều này bằng sự thất vọng về nhau giữa những kẻ si tình.
Vì yêu nên càng khó bỏ qua những khuyết điểm
Các nhà khoa học đã phỏng vấn 2000 cặp vợ chồng và nhận ra rằng những cặp đôi yêu nhau rất khó tìm ra ngôn ngữ chung và khó hòa giải với nhau sau các trận cãi cọ. Trước đến giờ, người ta thường nghĩ ngược lại, rằng tình yêu thì mù quáng và chúng ta luôn sẵn sàng tha thứ tất cả mọi điều cho người mình yêu. Thế nhưng sự thật hoàn toàn khác.
Khi yêu, chúng ta thường lý tưởng hóa người mình yêu. Chúng ta nghĩ rằng người ấy không có khuyết điểm nào. Và từ đó, chúng ta chờ đợi ở người đó những cách cư xử hoàn hảo, thí dụ như những hành động chiều chuộng và sự nhường nhịn dành cho chúng ta. Nhưng trong cuộc sống thực chẳng có ai hoàn hảo cả.
Vợ chồng thường vỡ mộng về nhau khi về chung một nhà
Tất nhiên, vì thế mà chúng ta bắt đầu nhận ra rằng người ấy chẳng thích rửa chén bát sau khi ăn hay mang rác đi đổ, người ấy chỉ thích nằm dài ra xem tivi hay chơi trò xếp bài trên máy tính thay vì giúp việc nhà. Ngay sau khi cưới, người ấy lập tức quên ngày đầu tiên quen nhau, điều luôn luôn hết sức quan trọng với bạn…
Mỗi một sai lầm nhỏ của người ấy sẽ làm thay đổi một ít những hình ảnh mà bạn có trong lòng. Điều đó khiến bạn đau đớn. Chúng trở thành lý do cho những sự chán nản, không hài lòng của bạn về nửa kia của mình và càng ngày những tức giận, bất bình sẽ càng được tích lũy nhiều hơn dẫn đến ly hôn. Ngay cả trong những trường hợp tình yêu vẫn còn đó, nhưng người ta vẫn cảm thấy rằng không thể chung sống với nhau được nữa.
Hôn nhân với “đôi mắt mù lòa”
Thế còn điều gì sẽ diễn ra với những cặp đôi kết hôn không phải với tình yêu mà là những nguyên nhân khác? Thí dụ như do hoàn cảnh đặc biệt (nhu cầu về hộ khẩu, có thai ngoài ý muốn, sợ hãi cô đơn) hay do tính toán (điều kiện vật chất và địa vị của người kia, những ý định chung, tính cách hợp nhau). Lúc đầu các cặp đôi này sẽ cảm thấy hoàn toàn không hạnh phúc, bởi vì họ không yêu nhau. Tuy vậy, hôn nhân của họ bền vững hơn là của các cặp đôi lấy tình yêu làm mục đích kết hôn.
Theo lời của các chuyên gia, mâu thuẫn giữa các cặp đôi này cũng không ít, nhưng họ có khuynh hướng “nhắm tịt mắt” trước những thiếu sót của người bạn đời bởi vì họ chẳng mấy quan tâm đến chuyện đó và vì họ cho rằng họ không có nghĩa vụ phải khuyên nhủ, thay đổi “thần tượng” của mình. Nếu như nhìn chung họ cảm thấy cuộc sống chung ấy là thuận tiện và an toàn thì họ sẽ cố chịu đựng sự có mặt của người kia trong đời sống của mình.
Mẫu thuẫn vợ chồng phát sinh khi cả hai không có tiếng nói chung
Với các cặp yêu nhau, một trong những lý do cơ bản của mâu thuẫn chính là mối quan hệ: “Anh ấy (hay cô ấy) không yêu tôi nên mới cư xử như vậy”. Còn những người kết hôn không vì tình yêu thì chẳng bao giờ phải nghĩ về chuyện tình cảm và chẳng lên án người sống chung về vấn đề tình cảm. Nếu người bạn đời có thể thỏa mãn một trong nhưng nhu cầu quan trọng của họ (tình dục, tiền bạc hay một chỗ dựa vững chắc) thì họ sẽ luôn luôn chấp nhận cuộc sống đó một cách lâu dài, chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện ly hôn. Nhiều người dành cả đời mình cho sự nghiệp, sở thích và không hề mong chờ bất cứ niềm vui nào từ bạn đời.
Thêm vào đó, cùng với thời gian, những người lập gia đình không có tình yêu từ từ lại tìm ra trong nửa kia của mình những phẩm chất mà trước kia họ không thấy. Người bạn chưa từng yêu hóa ra lại là một người chung thủy, đáng tin cậy, một người chủ gia đình tuyệt vời… Những điều đó có thể thay thế cho mọi cảm xúc của tình yêu. Đôi khi tình yêu sẽ đến với họ và hôn nhân của họ thực sự hạnh phúc.
Hãy học cách chấp nhận nhau
Có thể khuyên gì với những cặp đôi lấy tình yêu làm tiêu chí quan trọng nhất để kết hôn?
Trước khi cùng nhau đi tới phòng đăng ký kết hôn, hãy cố gắng hiểu bạn đời của mình càng nhiều càng tốt và hiểu mọi mặt của người ấy. Một chuyến đi chơi dài cùng nhau hay một khoảng thời gian cùng làm một việc gì đó chung là điều vô cùng hữu ích.
Đầu tiên hết hãy chấp nhận một chuyện rằng tất cả mọi người đều có khuyết điểm và người bạn yêu chẳng phải là thiên thần. Hãy nói về điều ấy với nhau một cách cởi mở. Hãy kể cho nhau nghe về những thói quen, những điểm yếu của mình. Hãy cố gắng cư xử trung thực với nhau – khi đó các bạn sẽ biết người ấy sẵn sàng làm gì và không làm gì.
Đừng ngăn cản người ấy, bắt người ấy thay đổi những điều người ấy thật sự coi là ưu tiên trong đời mình. Nếu với người ấy sự nghiệp hay công việc còn quan trọng hơn gia đình? Hay người ấy không nghĩ tới chuyện phải làm ra thật nhiều tiền? Có thể người ấy không muốn có con hay không hề thích chuyện nội trợ?… Hãy tìm hiểu tất cả mọi điều trước khi có dự tính sống cùng nhau.
Các nhà tâm lý cũng khuyên bạn hãy tìm hiểu cả những tình huống thông thường trong cuộc sống, xem người ấy sẽ xử sự ra sao những lúc như vậy. Thí dụ vợ bạn có sẵn sàng nấu ăn khi đi làm về mệt hay không? Chồng bạn có sẵn sàng đón con giùm cho bạn nếu bạn bất ngờ phải làm thêm việc ở công ty hay không?
Không phụ thuộc vào điều các bạn có yêu nhau hay không, trong gia đình luôn có những tình huống cần đến sự nhượng bộ lẫn nhau. Nếu ai cũng cố kéo cái mền về phía mình và không nhường người kia thì cuộc hôn nhân đó sẽ luôn luôn có khả năng sụp đổ.
Nguồn: Theo Ph? n? TPHCM
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.