Sự chăm sóc thai nhi trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ đặc biệt rất quan trọng. Không chỉ là giai đoạn thai nhi tăng trưởng với tốc độ vượt bậc, đây còn là giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho sự chào đời của bé trong thời gian tiếp theo. Làm sao để bé cưng có thể phát triển tối đa và chào đời an toàn khỏe mạnh? Đừng bỏ lỡ những bí quyết chăm con sau đây mẹ nhé!
1/ Tầm quan trọng của việc chăm sóc tiền sản 3 tháng cuối thai kỳ
Về cơ bản, sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn cuối thai kỳ gần như đã hoàn chỉnh. Dù không thể thay đổi tình hình nếu có phát hiện những bất thường ở động mạch, tim và một số vùng ở cấu trúc não xuất hiện muộn nhưng mẹ có thể ứng phó bằng cách chọn nơi sinh, chọn cách sinh và lên kế hoạch chăm sóc bé sau này.
Bên cạnh đó, việc thăm khám 3 tháng cuối thai kỳ cũng là cơ hội để mẹ phát hiện những dấu hiệu bất thường của tiền sản giật, viêm nhiễm đường tiết niệu hay dấu hiệu sinh non và đưa ra những ứng phó kịp thời. Rất quan trọng, mẹ đừng bỏ lỡ một buổi khám thai nào trong giai đoạn này để có kế hoạch chăm sóc thai nhi một cách tốt hơn nhé!
2/ Chế độ dinh dưỡng chuẩn cho thai phát triển toàn diện nhất
Trong giai đoạn “nước rút” này, mỗi ngày, bà bầu nên cố gắng nạp khoảng 1950 calorie và đảm bảo cơ thể tăng thêm từ 6-7 kg cho tam cá nguyệt cuối cùng này. Ngoài việc tiếp tục duy trì một thực đơn dinh dưỡng đủ các nhóm chất cần thiết như bột, đạm, béo, chất xơ và các loại vitamin, khoáng chất, bầu nên đặc biệt tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu a-xít béo omega 3 và choline. Bởi trong giai đoạn này, sự tăng trưởng não của thai nhi đạt tốc độ vượt bậc và cần rất nhiều chất béo để hoàn tất quá trình này.
3/ Tập thể dục 3 tháng cuối: Lợi mẹ, lợi con!
Thể dục khi mang thai, nhất là những bài tập thể dục trong 3 tháng cuối thai kỳ không chỉ giúp mẹ bầu kiểm soát mức cân nặng, ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ và những biến chứng nguy hiểm mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn này.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sản Khoa tiến hành trên 826 bà mẹ cho thấy, những bé có mẹ thường xuyên tập thể dục trong 3 tháng cuối sẽ có ít nguy cơ bị béo phì và thừa cân sau khi sinh. Đồng thời, những bài tập thể dục cũng giúp khả năng hấp thụ chất béo của thai nhi tốt hơn, cần thiết cho quá trình phát triển các tế bào não và hình thành các lớp mỡ dưới da cho bé.
4/ Học cách thở đúng
Không chỉ là “liều thuốc” giảm đau cho mẹ, cách thở đúng trong giai đoạn vượt cạn còn giúp tăng cường lượng ô-xy cho mẹ và bé, tránh việc mẹ bị kiệt sức trong thời gian sinh khiến bé cưng gặp nguy hiểm. Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng cho quá trình chào đời của bé và tất nhiên, không thể thiếu trong cẩm nang chăm sóc thai nhi 3 tháng cuối của mẹ đâu nhé!
Xem thêm
Cách tính tuổi thai
Cách tính ngày dự sinh
Dấu hiệu chuyển dạ
(Theo MB)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.