Sinh ra ở miền Bắc Việt Nam, lại học tập và làm việc ở Sài Gòn 10 năm nên chị Phương Thảo (nick facebook Jen Thao Nguyen) có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền ẩm thực phong phú ở mảnh đất này. Hiện tại chị Thảo đã chuyển sang làm việc tại Singapore phụ trách công việc quay phim.
Trong thời gian sống ở Sài Gòn, chị Thảo còn học được rất nhiều món ăn ở đây, trong đó có món kho quẹt. Chị chia sẻ, chị đã từng làm món này nhiều lần nhưng chưa ưng ý về hương vị nhưng khi được một người bạn gốc ở đây dạy cách làm thì món ăn của chị đã thực sự đúng điệu.
Vui mừng vì công thức của mình thành công nên chị đã mạnh dạn chia sẻ nó trên hội nhóm nấu ăn và thật bất ngờ, chỉ sau 1 đêm đã có 3.000 likes và hơn 100 lượt chia sẻ. “Tới bây giờ đã nửa năm rồi mà mọi người vẫn tiếp tục chia sẻ và like hàng ngày, con số đã lên tới hơn 800 lượt chia sẻ và gần 11 nghìn like. Mình không nghĩ là món ăn đơn giản mà thu hút mọi người nhiều như vậy”, chị Phương Thảo cho biết.
Theo chị Thảo, bí quyết làm cho kho quẹt ngon là ở tỷ lệ mắm, đường, nước. “Còn mùi vị thơm là do mình phi hành tỏi sau đó mới cho những gia vị khác. Tôm khô cũng là linh hồn của món kho quẹt. Món kho quẹt đúng điệu là ngọt mặn vừa, cay và thơm nồng vị tiêu ớt”, chị Thảo bật mí.
Kho quẹt vốn là một món dân dã nên không có gì quá cầu kỳ trong nguyên liệu, chỉ cần nước mắm ngon là được. “Nếu nấu quen thì có thể áng khoảng hoặc tự phân chia nguyên liệu theo khẩu vị của mỗi người. Có người thích ít ngọt thì giảm đường và ngược lại thích nhiều ngọt hơn mặn thì cho thêm đường. Có người không ăn được cay thì chỉ cho ớt cả quả hoặc không ớt cũng được”, chị Phương Thảo chia sẻ.
Chị Thảo hướng dẫn cách ăn món kho quẹt với cách món ăn khác như chấm rau, cơm cháy. Ngoài ra, nó còn được dùng để ướp cá kho, thịt kho. Khi dùng để ướp thịt cá kho thì không cần cho thêm gia vị gì khác. Chỉ ướp khoảng 1 tiếng sau cho cho lên bếp kho đến khi thịt (cá) chín mềm là được. Thêm vào đó, kho quẹt còn được dùng để xào các món nhậu như ốc hương xào bơ. Bỏ bơ vào chảo, cho ốc đã luộc qua vào, rồi cho mắm kho quẹt vào đảo lên là đã có món nhậu ngon mà không tốn thời gian.
Dưới đây là công thức kho quẹt gần 11 nghìn lượt like của chị Nguyễn Phương Thảo:
Nguyên liệu:
– 200g thịt ba chỉ nhiều mỡ, lọc da, thái hạt lựu. Lý do chọn thịt ba chỉ là vì nếu chỉ mỡ không thì phải bỏ bớt phần nước mỡ đi, còn thịt ba chỉ có vừa lượng mỡ. Nếu ai thích ăn nhiều tóp mỡ cho béo thì dùng mỡ không nhưng phải gạn bớt nước mỡ ra, chỉ để lại khoảng 4 muỗng canh mỡ thôi .
– 50g tôm nõn khô loại nhỏ. Ngâm nước nóng cho mềm rồi rửa lại cho sạch. Không dùng tôm tươi vì tôm khô mới thơm đúng vị kho quẹt, nên chọn tôm loại nhỏ.
– Nước mắm ngon và hơi nhạt để thành phẩm không bị mặn gắt.
– Hành, tỏi khô mỗi thứ 1 củ to.
– 2 muỗng cà phê tiêu, đường, nước mắm, hành tươi, ớt khô cả quả, ớt tươi
– Nồi đất hoặc nồi sứ
Trong công thức mình không sử dụng nước hàng hay nước màu mà kho quẹt vẫn có màu nâu óng đẹp. Mình không thích nước hàng vì nó làm vị khác đi một chút.
Cách làm:
– Quay thịt cho ra mỡ, vớt phần tóp mỡ để riêng.
– Cho hành, tỏi khô băm nhỏ vào phi thơm vàng rồi mới cho tôm khô vào xào. Nếu không phi hành tỏi khô thì sẽ làm mất “linh hồn” của món kho quẹt.
– Tỷ lệ mắm: 2 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường, 1 muỗng nước, hoà tan trước rồi đổ vào nồi. Với số lượng tôm thịt này mình nhân 7 tỷ lệ trên, nghĩa là 14:7:7. Các bạn dùng muỗng đong gì cũng được, miễn đúng tỷ lệ. Như mình dùng muỗng múc canh tròn loại nhỏ như trong hình ạ. Có thay đổi số lượng nhân 5 hoặc hơn cũng được, tuỳ các bạn thích đặc tôm thịt hay thích nhiều nước sốt để chấm.
– Cho nhiều tiêu, ớt khô cả quả, ớt tươi thái nhỏ nếu ăn cay, cho nốt phần tóp mỡ vào rồi để liu diu cho keo lại. Lí do mình cho thêm 1 muỗng nước trong phần tỷ lệ để quá trình bốc hơi thành phẩm ko bị mặn.
– Thấy sốt hơi sánh keo lại thì tắt bếp, cho đầu hành thái khúc vào, giai đoạn này chỉ khoảng 2-5 phút, không để lâu quá, keo quá sẽ bị mặn. Múc muỗng lên rót xuống thấy nước sánh là được.
Tôm và tóp mỡ sau thành phẩm luôn cứng, nên ngâm mềm rồi xào sơ qua là cho mắm vào được rồi.
Các bạn lưu ý, vì đây là món chấm, nên làm nước để chấm, mặn hay không là do tỷ lệ mắm – đường – nước nên dù cho bao nhiêu nước mắm mà giữ đúng tỷ lệ thì không bao giờ mặn nhé! Với món này, thịt cho vào chỉ là phụ thôi.
Nguồn: Theo Khám phá
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.