Băng tan ồ ạt, 100 năm nữa, liệu Bắc cực có còn băng?

Băng tan ồ ạt, 100 năm nữa, liệu Bắc cực có còn băng?

Nhân dịp Hội nghị quốc tế về khí hậu diễn ra tại Monreal (Canada), Bắc cực là khu vực chịu nhiều tác động nhất của hiện tượng Trái đất nóng dần lên. Người ta dự báo trong vòng 100 năm nữa, với đà này, toàn bộ băng hà ở đây sẽ tan chảy vào mùa hè.

Băng tan ồ ạt, 100 năm nữa, liệu Bắc cực có còn băng?Bắc cực không có băng đá là một ý tưởng có vẻ như siêu thực nhưng điều đó có thể xảy ra do hiện tượng Trái đất nóng lên. Hiện tượng này tác động rõ rệt nhất vào các vùng địa cực, nơi mà tốc độ gia tăng của nhiệt độ nhanh gấp 2 lần những nơi khác trên Trái đất.

Hình ảnh vệ tinh từ 1979 đến nay cho thấy băng hà đã giảm trên 20% diện tích vào mùa hè. Các nghiên cứu mới đây dự báo rằng, vào khoảng năm 2070, băng hà sẽ biến mất hoàn toàn khi hè đến. Xa hơn về phía Nam, cư dân Greenland bắt đầu cảm nhận hậu quả của hiện tượng khí hậu Trái đất nóng lên. Tuyết rơi càng ngày càng muộn và tan cũng ngày một sớm hơn. Thói quen của con người và động vật bị xáo trộn.

Những quan sát mới nhất cho thấy ngày càng có nhiều vùng bờ biển Greenland bị ảnh hưởng bởi hiện tượng băng hà tan chảy không thể đảo ngược, có thể sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho mực nước biển. Khối lượng nước chứa trong bằng hà Greenland tương đương với một lớp nước cao 6 mét trải khắp các đại dương.

Mực nước biển dân lên là hiện tượng có liên quan đến sự tan chảy của băng hà lục địa, không phải sự tan chảy của băng hà trôi trên đại dương. Khi để cho viên đá tan trong ly, mực nước trong đó không dâng lên. Đó là hiện tượng băng hà trôi trên đại dương. Nhưng khi viên đá đặt ngoài mặt nước và tan chảy, như băng hà lục địa, nước hình thành sẽ làm tràn ly nước.

Một điều chắc chắn, hiện tượng băng tan ồ ạt đã bắt đầu diễn ra và có thể sẽ kéo dài hàng trăm năm. Nếu con người muốn hạn chế tác động thì ngay từ bây giờ cần phải thay đổi thói quen của mình.

 

Theo Thiên Nhiên Việt Nam