Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách mang ý nghĩa nhân văn “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, mọi người cùng đóng tiền vào quỹ y tế để giải quyết chi phí cho một số người chẳng may mắc bệnh. Thế nhưng, khi chẳng may mắc bệnh, người dân vẫn phải tiếp tục trả phí.
Có thẻ BHYT vẫn không dám đi chữa bệnh
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, có BHYT nhưng không dám đi bệnh viện (BV) vì gánh nặng viện phí.
Gia đình thuộc diện hộ nghèo, có công, bà Nguyễn Thị M. (53 tuổi, ngụ An Giang) được cấp thẻ BHYT với mức thanh toán 100%. Không có ruộng vườn ở quê, bà M. phải lên TP.HCM làm phụ hồ nuôi đứa con tật nguyền. Gần một năm trước, bà M. chẳng may bị té giàn giáo, gãy xương chậu, xương đòn chân phải… BHYT của bà M. đăng ký ở An Giang, nên khi nhập viện tại TP.HCM, không phải thuộc diện cấp cứu nên BV yêu cầu có giấy chuyển viện mới được BHYT thanh toán 100%; nếu không, bà chỉ được thanh toán 40% chi phí điều trị.
“Bà M. nằm liệt giường, con trai thì thần kinh không bình thường, ai có thể đưa bà ấy về quê nhập viện, làm thủ tục chuyển viện? Chúng tôi nhiều lần thuyết phục, BV mới giải quyết cho bà M. hưởng chế độ BHYT thanh toán 100%”, chị Trương Hồng Thúy (Q.10, TP.HCM), một người giúp đỡ bà M. chia sẻ.
Ngoài vết thương đang hoại tử, bà M. còn mắc bệnh tiểu đường và tim mạch, tổng chi phí điều trị cả trăm triệu đồng. Dù về lý thuyết, bà M. được BHYT chi trả 100%, nhưng theo tính toán của BV, số tiền mà bà M. phải nộp cho các khoản thuốc, vật tư y tế nằm ngoài “danh mục được BHYT thanh toán” lên tới 60 triệu đồng.
Bác sĩ ở cơ sở khám chữa bệnh chỉ định loại thuốc không có trong danh mục là không đúng – Ảnh minh họa: P. Huy
Trường hợp bé Lê Ngọc H. (5 tháng tuổi, ngụ Bình Dương) cũng là một ví dụ về sự ngán ngại đến BV dù có thẻ BHYT. Khi sinh ra, bé H. có dấu hiệu “đầu nước” (tên dân gian của bệnh tràn dịch não thất ở trẻ, biểu hiện là đầu rất to). Qua kiểm tra bằng MRI, CT, các bác sĩ (BS) BV Nhi Đồng 2, TP.HCM phát hiện bé H. bị dãn não thất, dị dạng mạch máu, nếu không điều trị, sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Dù có chỉ định phẫu thuật, nhưng vì không có tiền nên gia đình chỉ nhận kết quả chẩn đoán rồi đưa con về nhà, khi khoản chi phí ngoài danh mục BHYT lên đến 60 triệu đồng. Thấy sức khỏe bé ngày một xấu, mẹ của bé phải vay mượn khắp nơi, cầm cố tài sản đưa con đến BV phẫu thuật.
Ám ảnh mang tên “ngoài danh mục BHYT”
Có mặt tại quầy thuốc của một BV lớn ở TP.HCM, trong khoảng 30 phút, chúng tôi ghi nhận bốn trường hợp phải bỏ tiền mua thuốc vì lý do thuốc nằm ngoài danh mục BHYT thanh toán. Bệnh nhân (BN) Huỳnh Thị Thông (50 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) cho biết, bà bị tim mạch, huyết áp và nhiều bệnh lý khác. Trước đây, hai loại thuốc Hyxure và Potasoft được BHYT thanh toán, nhưng mấy tháng nay, bà được thông báo phải tự mua hai loại thuốc trên vì thuốc nằm ngoài danh mục thanh toán của BHYT. Mỗi lần mua, bà Thông phải chi gần 300.000đ.
Hàng loạt người bệnh ung thư phổi, ung thư gan dở khóc dở mếu vì gánh nặng “đồng chi trả”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền thuốc Tarceve trị ung thư phổi cho một BN là 42 triệu đồng/ tháng, thuốc Nexavar trị ung thư gan là 120 triệu đồng/tháng, trước đây được BHYT thanh toán 100%, nay chỉ còn 50%.
BS Đặng Ngọc Dũng, khoa Ngoại thần kinh BV Nhi Đồng 2, chia sẻ: “Trẻ dưới sáu tuổi được thanh toán BHYT 100%, nhưng thực tế, phụ huynh phải tự lo chi phí cho khoản vật tư y tế, thuốc ngoài danh mục. Hai tháng qua, có tới 3/4 BN vì không lo nổi viện phí đành chấp nhận về nhà. Điều xót xa là, các ca bệnh này nằm trong tầm tay chuyên môn của BS, nhưng chi phí thì… BS đành bó tay”.
Theo BS Trần Chí Cường, BV Đại học Y Dược TP.HCM, BN mắc bệnh về mạch máu sẽ rất nguy hiểm tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Nhưng chi phí điều trị rất lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, nhiều loại vật tư y tế, thuốc men, dụng cụ (như đặt coid, ống thông can thiệp, vòng xoắn…) để thực hiện điều trị lại chưa được BHYT chi trả dù BN có BHYT.
Quá thiệt thòi cho người bệnh
Ông Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, TP.HCM bức xúc: “BHYT nói tính đúng, tính đủ nhưng thực tế việc thanh toán cho BN chạy thận nhân tạo hiện nay là không đủ. Nếu kéo dài, BV cứ phải bù lỗ thì e rằng nhiều đơn vị phải ngừng triển khai kỹ thuật này”.
Một BS về tim mạch thở dài: “Có những trường hợp BN được chỉ định đặt hai-ba cái stent, chi phí cho một lần điều trị đều vượt trần BHYT chi trả. Nếu tổng chi phí điều trị vượt quá 40 tháng lương thì BN phải bỏ tiền túi ra thanh toán phần “vượt quá”. Nhiều người bệnh không thể lo nổi khoản chi này”.
Hơn một năm nay, khu vực khám chữa bệnh BHYT ngoại trú của các BV tuyến trên (Hùng Vương, Chấn thương chỉnh hình, Bình Dân, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, Chợ Rẫy) đã giảm tải đáng kể, không còn cảnh xếp hàng dài dằng dặc chờ đến lượt khám. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2015, số lượng BN đăng ký khám BHYT tại BV tuyến dưới (quận, huyện, phường, xã) chỉ tăng khoảng 2-3%. Vậy, phần lớn số BN diện BHYT khám chữa bệnh ở đâu? Trên thực tế, họ vẫn khám chữa bệnh ở các BV lớn nêu trên, nhưng chuyển qua khám chữa dịch vụ.
Tại sao người dân đóng tiền BHYT để quỹ này thanh toán cho người dân khi mắc bệnh, nhưng BHYT lại chỉ thanh toán một số khoản theo hạng mục? Đó là bất công, là sự không sòng phẳng của BHYT?
Trong khi nhiều bệnh nhân có BHYT phải gồng mình thanh toán thuốc men, vật tư y tế… thì BHYT TP.HCM lại báo cáo: năm 2015, kết dư khoảng 1.000 tỷ đồng. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói, lãnh đạo Sở rất đau khổ khi BHYT kết dư 1.000 tỷ đồng, vì 1.000 tỷ đồng kết dư đồng nghĩa với việc bệnh nhân mất đi nhiều cơ hội được BHYT thanh toán chi phí điều trị
Nguồn: Theo Phụ Nữ Online
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.