Đã có rất nhiều trường hợp thương tâm khi trẻ bị bỏng nhẹ nhưng do sai lầm của phụ huynh khiến tình trạng bỏng lại nặng thêm. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ với các mẹ một số kinh nghiệm về cách sơ cứu kịp thời, đúng cách cho bé lúc vừa bị bỏng nước sôi của mẹ bé Su nhé!
“Năm con gái lớn của tôi được 2 tuổi, cháu rất hiếu động. Cái tuổi mà bé chẳng khi nào chịu ngồi yên một chỗ mà chỉ thích được chạy nhảy khắp nơi, khám phá mọi ngõ ngách trong nhà. Dù rất cẩn thận khi mọi đồ dễ vỡ và nguy hiểm đều được để cao khỏi tầm với của con, cầu thang được che chắn cẩn thận,… thế nhưng một lần bất cẩn khi pha sữa cho con mà không để ý, tôi đã để bé nghịch và làm đổ cả cốc nước nóng vào tay. Nghe con khóc thét lên mà cả nhà hoảng loạn, chồng tôi lao ra tủ lạnh lấy khay đá chườm ngay vào vết bỏng. Bà nội thì ra ngoài vườn lấy một nắm lá khoai nước giã ra rồi đắp vào tay cháu. Thế nhưng vết bỏng cứ mỗi lúc một đỏ rồi bắt đầu phồng nước, trầy đỏ. Đến lúc ấy, cả nhà hốt hoảng đưa cháu vào viện, tôi lo lắng đứng ngồi không yên.
Vừa vào khám, thấy con tôi tay xanh toàn lá rau bác sĩ lại tưởng bỏng vì nồi canh. Đến khi nói là đắp lá thì cả nhà bị mắng cho một trận. Nhìn con được bế vào phòng tiểu phẫu cấp cứu mà cả nhà đứng ngồi không yên. Khoảng 30 phút sau con được bế ra, tay đã bôi thuốc và băng lại, lúc này bác sĩ mới gọi nhà tôi vào để ‘tập huấn’ lại cái khoản nhanh nhẹn sơ cứu mà sai cách. Hoá ra khi bị bỏng nước sôi không được nhúng tay vào nước đá hoặc chườm đá, mà chỉ xối tay dưới vòi nước sạch là được. Khi ngâm tay vào nước đá lỗ chân lông sẽ se khít khiến nhiệt độ không thoát ra được, các tế bào co đột ngột làm tình trạng bỏng sẽ nặng hơn, dễ loét. Hay việc dùng lá khoai nước đắp lên cũng rất nguy hiểm cho trẻ, nó có thể gây nhiễm khuẩn làm tình trạng bỏng trở nên nặng nề hơn rất nhiều. Cũng may con tôi mới bị bỏng độ 2 nên cháu hồi phục khá nhanh. Rồi sau đó tôi cũng đã tìm hiểu và rút ra được nhiều điều quý báu…”
Khi trẻ bị bỏng nước sôi, đầu tiên hãy đưa trẻ đến dưới vòi nước mát, xối nước vào vùng bỏng liên tục 15-20 phút, điều này sẽ giúp vết thương giảm đau rát, giảm độ sâu, giảm sưng nề.
Dùng băng gạc vô khuẩn băng nhẹ nhàng quanh vết bỏng để tránh bụi bẩn.
Vết bỏng nhỏ thì các mẹ có thể để con ở nhà bôi kem trị bỏng có bán sẵn ở hiệu thuốc cho con. Nhưng tốt nhất nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để trẻ được sơ cứu và tư vấn hợp lý. Trẻ em khi bị bỏng, các vết bỏng có thể trợt da, phỏng rộp khiến trẻ mất nước, rối loạn điện giải rất nguy hiểm.
Các mẹ không nên sử dụng các mẹo dân gian đắp lá, nước mắm, vôi… Vì có thể là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn.
Nếu các vết bỏng lớn trên ngực, bụng, lưng,… bé thì mẹ không nên lột ngay quần áo trẻ lúc vừa bị nước sôi đổ vào, vì dễ gây tổn thương vùng da, nên đưa trẻ ra dưới vòi nước xả trực tiếp vào quần áo rồi dùng kéo cắt. Đặc biệt mẹ nhớ không dùng nước đá để làm lạnh vết bỏng nhé!
Ngay khi bị bỏng mẹ nên tháo vòng tay, vòng cổ hoặc chân ra trước khi các vết bỏng sưng nề.
Mẹ cố gắng tránh các nguyên nhân gây bỏng cho bé bằng cách để những đồ vật như phích nước, bình nước nóng,… xa tầm tay với của trẻ. Với thức ăn vừa nấu chín vậy, dụng cụ nấu nướng có cán nên quay cán vào trong, tránh việc trẻ với tay làm đổ. Đặc biệt, khi đi xe máy về mẹ nhớ dựng gọn ống xả sát tường, tránh để trẻ chơi gần chạm vào rất nguy hiểm.
Sự cẩn thận của mỗi người sẽ làm giảm nguy cơ gặp các tai nạn sinh hoạt cho trẻ rất nhiều. Chúc các mẹ và các con luôn khỏe mạnh!”
Chia sẻ của mẹ bé Su
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.