Cô Pinki, 20 tuổi, đến từ lang Chandaus đã sinh một em bé có cân nặng chỉ 750 gram tại một cơ sở y tế thuộc tỉnh Aligarh, Ấn Độ. Các bác sĩ cho biết, cô Pinki sinh non. Tại thời điểm sinh, cô mới mang bầu tháng thứ 7, bé sơ sinh nhỏ bằng lòng bàn tay.
Mặc dù quá trình sinh hoàn toàn bình thường nhưng các bác sĩ vẫn đánh giá đây là trường hợp đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao.
Theo các bác sĩ, vào thời điểm thai nhi được 7 tháng tuổi, các bé phải nặng trung bình 2,6kg. Nếu cân nặng của em bé khi sinh dưới 1.000 gram, đây là trường hợp “cực kỳ nguy hiểm”.
Bác sĩ phụ khoa Anjula Bhargave, người đã đỡ đẻ cho sản phụ, nói rằng: “Người mẹ có nhiều biến chứng khác thường khi đến bệnh viện vì vậy, chúng tôi phải đưa em bé ra trước. Vào thời điểm 7 tháng tuổi, em bé phải cân nặng ít nhất là 1,5 kg. Tuy nhiên, em bé của cô Pinki rất nhỏ, hệ hô hấp mới chỉ phát triển một phần. Chúng tôi đã định chuyển em bé lên tuyến trên”.
Các bác sĩ đã nghĩ rằng em bé sẽ không thể nào sống sót với tình trạng sinh non, nhẹ cân…
Tuy nhiên, cha em nói rằng gia đình họ không đủ chi phí để điều trị bên ngoài Aligarh. Bị bệnh viện từ chối vì rủi ro, gia đình đành phải chuyển đến một cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, không một nơi nào dám nhận vì lý do tương tự.
Cuối cùng, Trung tâm chăm sóc trẻ em thuộc Bệnh viện Makhan Lal, Aligarh , đã tiếp nhận em bé để điều trị.
Tiến sĩ Sunil Gupta, chuyên khoa Nhi của bệnh viện, cho biết: “Chúng tôi không dám đảm bảo có thể cứu sống cháu bé. Chúng tôi đã nói rõ với gia đình như vậy. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức. Những trường hợp tương tự thế này, tỷ lệ tử vong rất cao.
Tuy nhiên, tôi phải nói rằng, đứa trẻ đã rất may mắn khi có thể sống sót sau khi trải qua nhiều giờ không được chăm sóc y tế”.
Tại trung tâm, các bác sĩ cho em bé được thở oxy để tăng cường hệ hô hấp. Việc điều trị đặc biệt cũng giúp em bé tránh bị nhiễm trùng máu, được truyền đủ chất dinh dưỡng.
“Chúng tôi không biết đi đâu để được giúp đỡ. Chúng tôi quấn cháu trong một tấm vải, đi khắp các cơ sở y tế trong cái nóng như thiêu như đốt. Đã có ba trung tâm từ chối, chúng tôi mất hết hy vọng cho đến khi gặp Bệnh viện Makhan Lal. Các bác sĩ nói rằng, tình trạng của cháu đã khá hơn nhiều” – Anh Om Prakash, bác của cháu bé nói.
Nguồn: Theo Trí thức trẻ
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.