1. Loét dạ dày do đâu?
Đa số trường hợp loét dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra. Vi khuẩn này hiện diện trong 90% bệnh nhân bị loét tá tràng và trong 70% loét dạ dày.
2. Cách nhận biết nhanh
– Đau dạ dày âm ỉ, có khi đau như chuột rút, nóng bỏng, quặn thắt ở dạ dày.
– Dạ dày thường đau sau khi ăn, tuy nhiên cũng có thể trở lại bình thường nhiều giờ sau đó.
– Đau lúc nửa đêm khi bạn không ăn gì trong nhiều giờ.
– Giảm cân và mất cảm giác ngon miệng.
– Nôn mửa.
Đa số trường hợp loét dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra
3. Điều trị ra sao?
Cơ bản nhất vẫn là dùng thuốc tác dụng cùng lúc làm giảm tiết dịch vị và kháng sinh để tiêu diệt HP. Hai nhóm dược phẩm thường được sử dụng:
– Chống tăng tiết để ngăn chặn sự sản xuất axit chlorhydric và làm liền các tổn thương màng nhày: đó là chất ngăn chặn pompe proton thường được dùng từ 4-6 tuần.
– Các kháng sinh để tiệt trừ HP thường là amoxicillin và clarithromycin trong ít nhất là một tuần. Trong vài ngày, các triệu chứng biến mất nhưng không nên ngưng điều trị vì bệnh dễ tái phát cùng với chủng HP đã đề kháng với liều điều trị và kháng sinh cũ.
4. Khi nào cần đến phẫu thuật?
Với sự tiến bộ trong liệu pháp điều trị, chỉ định phẫu thuật ngày càng ít. Tuy nhiên, trong trường hợp xuất huyết dạ dày, bác sĩ phẫu thuật sẽ phải khâu lại các mạch máu hoặc khâu lại vết loét.
Sau nhiều lần tái khám không được điều trị đúng mức hoặc trong trường hợp nghi ngờ tình trạng của viêm loét, bác sĩ phẫu thuật có thể lấy đi một phần dạ dày nơi có vết loét rồi tùy tình hình.
Bạn nên kiêng những loại thực phẩm chứa cafein, như trà, cà phê…
5. Những biến chứng
– Nếu không được điều trị, vết loét có thể phát triển các biến chứng như xuất huyết dạ dày hoặc thủng dạ dày. Xuất huyết có thể được nhận biết ở tình trạng nôn ra máu.
– Thủng bao tử thường kèm theo đau dữ dội ở bụng, cần phải đi khám khẩn cấp. Chúng thường kéo theo viêm màng bụng. Bệnh nhân cần được nhập viện và can thiệp bằng phẫu thuật. Có bệnh nhân không đau dữ dội nhưng vẫn bị xuất huyết dạ dày và phải làm phẩu thuật.
6. Tránh xa thực phẩm “cấm”
– Những thực phẩm chứa cafein, trà, đồ uống cacbonat. Các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, hành hoặc đồ ăn giàu chất béo cũng nên bị loại khỏi thực đơn.
– Hạn chế những thực phẩm chua như: dưa chua, cà muối chua, măng chua hoặc những loại quả thuộc họ cam, quýt, sấu… vì chúng nhiều acid, rất bất lợi cho tình trạng bệnh.
7. Lưu ý trong quá trình điều trị
– Có ba mức độ bệnh: Rối loạn tiêu hoá giống loét, viêm, loét dạ dày. Tuỳ mức độ, chế độ điều trị bằng thuốc có khác nhau.
– Khi bị loét dạ dày cần khám thường xuyên, vì bệnh lý này có nguy cơ trở thành ung thư dạ dày, cần phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.
– Thời gian điều trị thường kéo dài nên đòi hỏi người bệnh phải kiên trì dùng đủ và đúng thuốc.
(Theo SKGĐ )
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.