Học mẹ thông thái cách “bắt bệnh” cực chuẩn cho bé yêu

Nhưng, chúng ta đôi khi quá sốt sắng trong việc chữa bệnh cho con hay đưa con đi viện, lạm dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Vì thế, tôi xin chia sẻ cùng các mẹ vài kinh nghiệm phát hiện một số triệu chứng cơ bản của các bệnh hay gặp ở trẻ như: viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy cấp…. và cách phòng tránh. Hãy cùng là một bà mẹ thông thái, một bác sĩ của gia đình nhé!

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi

Chỉ cần đếm nhịp thở của bé là các mẹ có thể biết con mình có thể bị viêm phổi hay không. Thật đấy!

Trẻ dưới hai tháng tuổi: có thể bị viêm phổi khi nhịp thở từ 60 lần trở lên (một nhịp thở là một lần thở ra và hít vào), có thể kèm theo ho, ho có đờm hoặc không có đờm. Nhiều trẻ ho rất ít nên các mẹ chú ý nhịp thở là được.

Trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi: nhịp thở từ 50 lần trở lên. Cũng có thể kèm theo ho.

Trẻ từ 1 đến 5 tuổi: nhịp thở từ 40 lần trở lên, kèm theo ho.

Đây là dấu hiệu đơn giản mà mẹ nào cũng có thể phát hiện ở con mình. Các mẹ nên đếm nhịp thở lúc con ngủ. Nếu thấy sự thay đổi nhịp thở như trên chúng ta nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị, viêm phổi nếu để lâu có thể dẫn đến suy hô hấp, khó thở, tím tái, với trẻ càng nhỏ thì nguy cơ tử vong càng cao.

Cách phòng tránh: Sai lầm hay mắc nhất của các mẹ là mặc quá nhiều áo cho con, trẻ bị toát mồ hôi, sau đó thấm ngược trở lại dẫn đến viêm phổi. Tắm cho trẻ sai cách hay thời điểm giao mùa cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến viêm phổi. Vì vậy các mẹ chú ý nên kiểm tra thân thể thường xuyên xem con có bị nóng và toát mồ hôi không; đặc biệt không tắm cho bé quá lâu, thời tiết giao mùa hay nóng bức không cho trẻ uống nước đá, ăn kem. Nên cho trẻ uống nhiều nước và bổ sung đủ vitamin giúp tăng sức đề kháng.

Nên cho bé ăn thêm hoa quả, bổ sung vitamin,… để tăng sức để kháng. (Ảnh minh họa)

Bệnh tiêu chảy cấp

Đây là bệnh hay gặp nhất ở trẻ em và có nhiều nguyên nhân:

Tiêu chảy do hậu quả của viêm phổi: Khi bị viêm phổi và ho có đờm, trẻ không biết cách khạc và nhổ đờm ra ngoài như người lớn mà thường nuốt vào. Đờm chính là một ổ vi khuẩn, ngoài ra do dùng kháng sinh nặng điều trị viêm phổi vô tình gây loạn khuẩn ruột, nên trẻ sau khi viêm phổi thường có biến chứng tiêu chảy.

Tiêu chảy do mọc răng: Đây lại là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Khi mọc răng, một loại enzym tiết ra kết hợp với lượng nước bọt nhiều hơn bình thường, khi trẻ nuốt vào làm cho phân có hiện tượng lỏng hơn, xanh vàng như hoa cà hoa cải. Trẻ có thể đi ngoài 4-5 lần một ngày, kèm theo đó mẹ có thể thấy răng bé bắt đầu nhú lên.

Tiêu chảy do lị: Mẹ hãy để ý phân của trẻ bị lị có lẫn máu và nhầy như mũi, trẻ đi 10 – 30 lần một ngày, mỗi lần đi bé phải rặn, quấy khóc, kèm theo đó là sốt nhẹ, nhiệt độ chỉ 37- 38 độ.

Tiêu chảy do virut rota: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ. Có đến hơn 90% trẻ dưới 3 tuổi từng nhiễm virut rota. Triệu chứng cũng khá rầm rộ để các mẹ nhận biết: trẻ có dấu hiệu nôn mửa, sau vài ngày bắt đầu đi ngoài phân lỏng hoặc toàn nước, sốt nhẹ.

Học mẹ thông thái cách 'bắt bệnh' cực chuẩn cho bé yêu

Dù là tiêu chảy do nguyên nhân gì thì bù nước vẫn là quan trọng nhất, mẹ phải luôn luôn để sẵn gói Oresol 27,9g, loại này mẹ lưu ý phải pha chuẩn với 1 lít nước. Đây là dung dịch bù nước rất tốt, không chỉ với trẻ mất nước, còn khi chơi thể thao ra nhiều mồ hôi nữa. Nhận biết trẻ mất nước cũng đơn giản, khi trẻ mất nước sẽ uống nước háo hức, đòi uống nước, lúc này mẹ cũng đừng cho uống nhiều, mà uống ngụm nhỏ, hoặc từng thìa, uống sau mỗi lần đi ngoài và theo nhu cầu của trẻ. Còn nếu thấy con mệt mỏi, lờ đờ không quấy khóc, thì đừng chủ quan cho rằng không sao, mà phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Trên đây chỉ là dấu hiệu đơn giản nhất về một số loại tiêu chảy thường gặp mà mẹ nào cũng quan sát, áp dụng được để phát hiện sớm bệnh và cũng hiểu được mức độ bệnh của con.

>>> Xem thêm: Cách trị tiêu chảy cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Sốt

Đây là triệu chứng của nhiều bệnh, tuy hay gặp nhưng thường các mẹ không biết cách xử trí đúng. Sốt chia ra làm các mức độ:

Sốt nhẹ: nhiệt độ ở nách trên 37- 38 độ.

Sốt vừa: nhiệt độ ở nách trên 38-39 độ.

Sốt cao: trên 39 độ.

Không phải cứ sốt là mẹ cho uống thuốc hạ sốt, mà chỉ khi nhiệt độ từ 38,5 độ trở lên mới dùng thuốc hạ sốt. Và khi dùng thuốc hạ sốt các mẹ nên thuộc lòng công thức: Số thuốc cần dùng = 10 đến 15mg x số kg của trẻ. Ví dụ một bé nặng 10kg sẽ dùng lượng thuốc tối đa theo công thức là: 15mg x 10kg = 150mg thuốc.

Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, điều đó có nghĩa thuốc của trẻ không phải là lấy viên thuốc của người lớn bẻ ra. Hiện nay có nhiều loại thuốc hạ sốt gói bột có hàm lượng 150mg hay 250mg.

Ngoài dùng thuốc các mẹ chú ý, khi con sốt không mặc thêm quần áo, không quấn chăn, không để trẻ ở phòng kín. Cần cởi bớt quần áo, thường xuyên lau khô mồ hôi cho trẻ, để con nằm ở nơi thoáng mát, thông khí. Nếu trẻ sốt mức độ vừa ta dùng khăn thấm nước ấm, vắt khô khăn rồi lau người cho trẻ, chú ý lau nhanh, lau các vị trí cổ, nách, bẹn. Trong trường hợp sốt cao thì nên lau bằng nước nóng, khăn vắt thật khô, lau thật nhanh các vị trí trên. Nhớ không chườm khăn trên trán vì trẻ có thể ngấm lạnh. Không lau bằng nước đá, vì nước đá làm se khít lỗ chân lông, không thoát nhiệt, trẻ càng sốt cao. Đây là các bước xử trí ban đầu cho các mẹ trước khi có quyết định đưa con đi viện.

Đây là một số quy tắc nhận biết đơn giản một số bệnh thông thường hay gặp. Các mẹ nên nhớ để có thể có cách xử trí thích hợp, đảm bảo an toàn cho con.

Mèo Hoa

Học mẹ thông thái cách “bắt bệnh” cực chuẩn cho bé yêu (P2)

Học mẹ thông thái bắt bệnh cực chuẩn cho bé yêu (Phần 3)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.