Giai đoạn bé yêu hình thành và phát triển các bộ phận đầu tiên – nền tảng của cơ thể – thực sự vô cùng quan trọng. Ngoài việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe và tránh xa các yếu tố gây hại, mẹ còn cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn cho bà bầu, sao cho thai nhi phát triển tốt nhất và mẹ cũng đảm bảo sức khỏe.
Quan niệm bầu bí là phải ăn càng nhiều càng tốt, “ăn cho hai người”,… là hoàn toàn sai lầm vì thừa chất cũng gây ảnh hưởng không tốt chút nào đến sức khỏe của mẹ và thai nhi trong bụng; khiến mẹ bầu tăng cân quá nhanh, dễ bị tiểu đường thai kì và rất khó giảm cân sau sinh, trong khi đó em bé to quá khiến cuộc sinh nở gặp nhiều khó khăn và dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm. Thay vào đó, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ với thực đơn đa dạng, phù hợp và vừa đủ sẽ có lợi hơn cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé.
Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu – cần đa dạng dinh dưỡng
Rất nhiều mẹ nghĩ rằng sữa bầu là thực phẩm không thể thiếu khi mang thai, nên ngay khi biết tin có em bé đã vội vã chọn mua loại sữa bầu tốt nhất về uống. Không chỉ thế, các món ăn bổ dưỡng cũng được tăng cường “dồn dập” cho bà bầu trong giai đoạn này; không kể đến hàng loạt vitamin được uống bổ sung. Điều đó là không cần thiết bởi trong 3 tháng đầu mang thai, chế độ ăn của bà bầu chỉ nên tập trung vào sự đa dạng dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đầy đủ đạm, vitamin, khoáng chất,…; tuyệt đối không nên ăn quá nhiều vì thời gian này bà bầu chỉ cần duy trì mức năng lượng bình thường. Do đó, cách tốt nhất là mẹ bầu nên bổ sung dinh dưỡng một cách tự nhiên từ rau củ, thực phẩm tươi thay vì uống nhiều sữa bầu và các loại thuốc bổ tổng hợp. Cũng không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm nào đó vì sẽ gây ra mất cân bằng dinh dưỡng.
Ở châu Âu và các nước phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc,… khái niệm sữa bầu gần như rất ít nước biết đến. Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích phụ nữ mang thai chỉ nên tăng khoảng 0,9 – 2,3kg trong giai đoạn đầu thai kì để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai nhi và người mẹ. Trường hợp người mẹ bị thừa cân trước khi mang thai có thể không cần tăng cân vào giai đoạn này. Do đó, ăn uống với lượng vừa đủ và đa dạng thực phẩm là điều được khuyến khích nhất, nếu mẹ có thể “nạp” năng lượng theo cách thông thường, tốt nhất không nên uống thêm sữa bầu hay tự ý bổ sung thuốc bổ, vitamin tổng hợp mà không theo chỉ định của bác sĩ; bởi một số vitamin được bổ sung dư thừa có thể khiến thai nhi bị dị tật.
Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ bầu bị nghén, việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trở nên khó khăn hơn và thai nhi sẽ không đủ điều kiện để phát triển tốt nhất. Do đó, mẹ bầu cần ăn uống theo hướng dẫn dưới đây để duy trì sức khỏe và tạo điều kiện cho thai kì phát triển tốt nhất.
Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu – cách ăn uống hợp lý
Ở thai kì thứ nhất, mẹ bầu trải qua rất nhiều những thay đổi lớn, trong đó có sự gia tăng các hormone thai kì tác động rất nhiều đến tình trạng sức khỏe như mệt mỏi, buồn nôn,… đặc biệt là vấn đề ăn uống. Một số mẹ bị nghén nặng đến mức không thể ăn uống bình thường, thậm chí ngửi thấy đồ ăn là buồn nôn. Một số mẹ khác chỉ ăn được một số món nhất định. Do đó, để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của bé, có có thể áp dụng những nguyên tắc gợi ý dưới đây:
– Không bỏ qua trái cây và rau củ: Đây là những thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, khoáng chất,… vừa giúp mẹ cung cấp thêm dinh dưỡng đồng thời đẩy lùi các cơn nôn nghén, các triệu chứng khó chịu khác như táo bón, mệt mỏi, khó tiêu.
– Uống nhiều nước: Đừng coi nhẹ điều này vì nước lúc nào cũng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là trong thai kì. Uống nhiều nước giúp cơ thể bớt mệt và buồn nôn, giảm tình trạng ợ nóng, khó tiêu,…
– Tập trung vào những thức ăn khiến mẹ ngon miệng và không gây buồn nôn: Thời gian này, nếu bị nghén việc ăn uống sẽ rất vất vả, do đó nếu ăn được món gì, mẹ có thể ăn món đó nhiều hơn (chỉ cần món ăn an toàn và không gây hại). Mẹ cũng có thể chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, tức là ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn với lượng ít hơn để tránh cảm giác “sợ” thức ăn.
– Bổ sung axit folic: Ngay từ trước khi mang thai và bắt đầu mang thai, việc bổ sung axit folic là vô cùng cần thiết giúp thai nhi tránh dị tật bẩm sinh, đặc biệt là tật khuyết ống thần kinh. Nếu không bổ sung đầy đủ từ thực phẩm được, mẹ có thể uống viên axit folic với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
– Bổ sung sắt và canxi: Đây cũng là 2 khoáng chất rất quan trọng với bà bầu, tuy nhiên mẹ cần được làm xét nghiệm trước để bác sĩ chỉ ra lượng bổ sung hợp lý.
Chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu – gợi ý các thực phẩm tốt nhất
Dưới đây là một số thực phẩm giàu dưỡng chất tốt cho thai nhi mà mẹ có thể tham khảo:
1. Quả bơ, hạt hạnh nhân, hạt hướng dương, rau chân vịt,…: rất giàu axit folic
2. Chuối: Giàu năng lượng và dưỡng chất, giúp bà bầu giảm chứng khó tiêu, táo bón rất hiệu quả.
3. Trái cây khô: Không chỉ các loại quả tươi, trái cây khô như nho, mận khô,… cực kì giàu sắt, canxi và chất xơ.
4. Rong biển: Nếu có thể, mẹ bầu hãy ăn thêm rong biển vì chúng rất giàu sắt và canxi. Rong biển tươi hay sấy khô đều tốt và mẹ có thể tùy chọn theo sở thích.
5. Thịt đỏ và rau xanh đậm: Thịt bò, lòng đỏ trứng, rau cải (cải xanh, cải xoong), rau muống,… rất giàu sắt. Mẹ có thể kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C hoặc uống thêm nước cam/chanh sau khi ăn để hỗ trợ sự hấp thu sắt tốt hơn.
6. Uống sữa: Khoảng 200ml sữa tươi mỗi ngày có thể giúp mẹ bổ sung một lượng canxi đáng kể. Tuy nhiên mẹ nên hạn chế thêm đường hoặc uống quá nhiều sữa vì có thể gây tăng cân quá nhanh. Thay vào đó, hãy ăn thêm sữa chua, đậu phụ và các sản phẩm từ đậu nành, vừng, rong biển,… cũng rất giàu canxi. Ngoài ra, mẹ bầu nhớ bổ sung vitamin D để hỗ trợ sự hấp thụ canxi bằng cách phơi nắng buổi sáng, ăn thêm các loại ngũ cốc nguyên cám, trứng,…
Trên đây là gợi ý chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu, mẹ nhớ theo dõi tiếp chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng giữa và 3 tháng cuối trên ChaMeCuaCon.com nhé, bởi mỗi giai đoạn mẹ cần tập trung dinh dưỡng cho các mục đích khác nhau, giúp bé cưng trong bụng phát triển tốt nhất và mẹ thì khỏe mạnh suốt thai kì.
Nguyệt Nga
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.