Sang đến quý thứ 2 của thai kì, phần lớn các bà bầu đã tạm biệt những ngày nghén ngẩm triền miên, những cơn nôn nghén, sự mệt mỏi và cảm giác chán ăn tan biến. Vừa hay, đây cũng là lúc mẹ nên tập trung lấy lại “phong độ ăn uống” để cung cấp dưỡng chất cho bé yêu, vì đây là giai đoạn mà bộ não, xương, các chi, các đặc điểm trên khuôn mặt hình thành và phát triển mạnh mẽ. Do đó, chế độ ăn cho bà bầu cần tập trung vào 3 nhóm thực phẩm chính, đó là tinh bột; nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất bao gồm axit folic, sắt, canxi, kẽm; tất nhiên, thịt và rau quả là nhóm thức ăn quan trọng thứ 3 trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai giai đoạn này.
Chế độ ăn cho bà bầu – những dưỡng chất cần bổ sung
1. Các vitamin và khoáng chất bao gồm: sắt, kẽm, canxi và axit folic
Như đã nói ở trên, giai đoạn thứ 2 của thai kì bộ não bé cưng phát triển rất mạnh mẽ, đồng thời hệ xương và chân tay, các chi tiết trên khuôn mặt cũng bắt đầu phát triển; do đó bé cưng cần nhiều sắt, canxi, kẽm và axit folic. Mẹ nhớ bổ sung các thực phẩm giàu những dưỡng chất này nhé!
2. Tinh bột
Các thực phẩm giàu tinh bột như gạo, khoai lang, bột mì, yến mạch, ngô,… rất cần thiết trong chế độ ăn của bà bầu. Do đó mẹ không nên hạn chế quá mức vì sợ tăng cân, tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều để tránh nguy cơ tiểu đường thai kì và mất kiểm soát cân nặng.
3. Thịt và rau quả
Đây là những thực phẩm thiết yếu trong chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng giữa thai kì, giúp cung cấp vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng cho sự phát triển của thai nhi.
Ngoài 3 nhóm thực phẩm chính như trên, bà bầu cũng cần bổ sung thêm vitamin D, vitamin A, protein,… để đảm bảo chế độ dinh dưỡng toàn diện nhất. Cụ thể, mẹ nên ăn những thực phẩm gợi ý dưới đây:
Chế độ ăn cho bà bầu – những thực phẩm tốt nhất
Thực phẩm giàu sắt, canxi, kẽm
Các khoáng chất này chứa nhiều trong thịt bò, rau lá xanh, hải sản, rong biển, sữa, chuối, hàu, trứng, đậu nành,… Ngoài ra, mẹ bầu có thể bổ sung thêm viên sắt, canxi,… nếu bác sĩ yêu cầu trong trường hợp xét nghiệm cho thấy cơ thể vẫn thiếu các khoáng chất trên; tất nhiên, liều lượng bổ sung phải theo chỉ định của bác sĩ.
Thực phẩm giàu axit folic
Hãy ăn thêm nhiều quả bơ, măng tây, cam, sữa, bông cải xanh, rau bina, hạnh nhân, hạt hướng dương,… và có thể uống thêm viên axit folic nếu bác sĩ yêu cầu.
Thực phẩm giàu tinh bột:
Thật đơn giản, bà bầu chỉ cần ăn cơm, bánh mì hoặc các loại ngũ cốc, khoai,… là có thể bổ sung thêm tinh bột trong chế độ ăn hàng ngày. Những mẹ bị thừa cân nên lưu ý hạn chế lượng tinh bột để tránh tăng cân quá mức, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng nên ăn nhiều những thức ăn bổ dưỡng dưới đây trong thai kì giữa:
– Cá hồi: Giàu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, vitamin D và DHA rất có lợi cho sự phát triển não bộ của thai nhi. Đây là món ăn giúp bé cưng phát triển toàn diện và thông minh mà mẹ không nên bỏ qua.
– Trứng gà: Là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên dồi dào và chứa một lượng cholin không nhỏ hỗ trợ não bé phát triển khỏe mạnh.
– Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa tươi, sữa chua,… giàu vitamin D, canxi và lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ và hỗ trợ thai nhi lớn lên khỏe mạnh.
– Các loại hạt: óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ,… chứa nhiều omega-3 có lợi cho bộ não của thai nhi. Mẹ có thể thêm chúng vào bữa phụ hoặc ăn vặt hàng ngày nhé!
– Quả bơ: Chứa nguồn dinh dưỡng “khổng lồ” như axit folic, omega-3, vitamin C, B và kali, loại quả này thực sự rất tốt và được mệnh danh là “bạn của bà bầu”.
Ngoài ra, một chế độ ăn với thực phẩm tươi sạch, nhiều rau xanh và cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp bé yêu “tăng tốc” trong giai đoạn này mà mẹ giữ được cân nặng ổn định.
Chế độ ăn cho bà bầu – những thực phẩm cần tránh
Một điều quan trọng cần lưu ý trong chế độ ăn cho bà bầu nữa là cần tránh những thực phẩm gây hại, những thức ăn không tốt cho sức khỏe như:
– Các loại gia vị cay, nóng: Ớt, tiêu, quế, hồi,… là những gia vị mẹ nên hạn chế trong suốt thai kì vì chúng có thể khiến phụ nữ mang thai dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến sự bài tiết và có thể gây bệnh trĩ, táo bón. Ngoài ra, quá nhiều ớt không tốt cho dạ dày của bà bầu, và dùng nhiều quế thậm chí có thể kích thích tử cung co bóp dẫn đến sảy thai.
– Đồ ăn chứa nhiều đường
Nhiều bà bầu rất thèm đồ ngọt khi mang thai, nhưng đừng quá ham của ngọt vì lượng đường dư thừa ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe; có thể gián tiếp gây ra sự thiếu hụt canxi khiến bé chậm phát triển hệ xương. Ngoài ra, ăn nhiều đường và tinh bột khiến bà bầu dễ tăng cân quá mức và gây tiểu đường thai kì.
– Hạt nêm, bột ngọt
Dẫu các loại gia vị này giúp thức ăn trở nên ngon miệng hơn, bà bầu cũng nên bỏ thói quen nêm nếm khi nấu nướng vì sodium glutamate chứa trong bột ngọt và các loại hạt nêm dễ làm tiêu hao một lượng kẽm của cơ thể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh của bé.
– Đồ hộp
Dẫu biết là rất tiện nhưng các loại đồ hộp hoàn toàn không nên sử dụng trong chế độ ăn cho bà bầu. Lý do là vì quá nhiều chất phụ gia, chất bảo quản,… ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Nguyệt Nga
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.