Con dưới 3 tuổi, trường hợp nào chồng có quyền nuôi con sau ly hôn?

Vợ chồng tôi có một cậu con trai gần 3 tuổi, giờ chúng tôi đang thỏa thuận để yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Tôi có tìm hiểu thì được biết, khi ly hôn vợ tôi sẽ được ưu tiên quyền nuôi con. Tuy nhiên, tôi muốn nuôi cháu bé bởi điều kiện kinh tế của tôi tốt hơn. Xin hỏi, như vậy có được không?

Vũ Văn Dũng (Hòa Bình)

Một nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ghi nhận là Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt thiên chức cao quý của người mẹ. Đó cũng là định hướng xét xử khi tòa án giải quyết ly hôn bao gồm việc phân định quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn.

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án về hôn nhân và gia đình quy định con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con nếu cha mẹ không có thỏa thuận khác. Trong trường hợp, vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của trẻ, đặc biệt là các điều kiện về sự phát triển về thể chất, đảm bảo việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần.

Khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Điều kiện được xem xét như: Điều kiện sống từ lúc sinh ra đến khi ly hôn ai là người chăm sóc, nuôi dưỡng con được tốt hơn; Đạo đức, lối sống hai bên có ảnh hưởng đến cuộc sống của con sau này; Môi trường sống của bố hay của mẹ tốt hơn; Điều kiện về kinh tế của ai có thể bảo đảm cuộc sống cho con; Điều kiện về nhà ở để bảo đảm chỗ ở và ổn định cuộc sống cho con…

Đối chiếu với quy định viễn dẫn trên đây, căn cứ nội dung các thông tin anh cung cấp thì điều kiện kinh tế – khả năng tài chính của anh hơn vợ sẽ không phải là yếu tố quyết định để tòa án giao quyền nuôi con cho anh, song sẽ là một tình tiết có lợi để tòa án xem xét, ra phán quyết.  

Nguồn: Theo Gia đình & Xã hội

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.