Những chuyện tình xúc động và son sắt nhất thế giới

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Ray Bradbury từng nói rằng: “Nếu nhìn lại trọn vẹn một đời người, bạn sẽ thấy tình yêu là câu trả lời cho tất cả”. Không phải bỗng dưng tình yêu chân chính lại là một trong những cái đích cao nhất mà con người luôn khao khát vươn tới. Dưới đây là 10 câu chuyện tình yêu vượt qua thử thách thời gian sẽ khiến bạn bị lay động:

1. Cặp đôi tiêu biểu của thời chiến tranh lạnh

Cuốn sách Of Love and Russia: The Eleven-Year Fight for My Husband and Freedom của Irina McClellan.

Khi Irina và Woodford McClellan quyết định kết hôn, họ không thể ngờ sẽ bị chia cách trong suốt 11 năm.

Năm 1970, Irina bắt đầu làm việc cho Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế tại Moscow, Nga. Trong quá trình làm việc, cô đã tình cờ gặp gỡ và phải lòng Giáo sư người Mỹ Woodford McClellan. Sau hai năm yêu, Irina và Woodford đã quyết định hôn vào tháng 5 năm 1974. Chỉ ba tháng sau, visa của Woodford hết hạn và anh buộc phải rời khỏi nước Nga. Không may cho cặp vợ chồng trẻ, đây lại chính là giai đoạn chiến tranh lạnh Nga – Mỹ lên tới đỉnh điểm. Woodford không thể trở lại Nga để thăm vợ và ngược lại, Irina cũng không thể đến Mỹ để gặp chồng mình. Trong suốt 11 năm, cặp vợ chồng chỉ có thể duy trì hôn nhân qua hai phương tiện liên lạc duy nhất lúc bấy giờ là thư từ và điện thoại.

Đến tận tháng 1, năm 1986, Irina mới được “bật đèn xanh” để tới quê hương chồng mình. Cặp vợ chồng đoàn tụ trong niềm hạnh phúc vỡ òa sau hơn một thập kỷ bị chia cắt. Sự kiện này đã từng là chủ đề nóng hổi, được nhiều người quan tâm trên các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ. Sau này, Irina đã viết một cuốn sách có tựa Of Love and Russia: The Eleven-Year Fight for My Husband and Freedom (Tạm dịch: Về tình yêu và nước Nga: 11 năm chiến đấu vì tình yêu và tự do) để kể về chuyện tình đặc biệt của mình.

2. Tình yêu vượt 60 năm bị chiến tranh chia cắt

Chỉ ba ngày sau hôn lễ, cặp vợ chồng trẻ Anna Kozlov và Boris đã bị Chiến tranh Thế giới II chia cắt. Trong thời gian Boris chiến đấu cho Hồng Quân, gia đình Anna đã bị Stalin đày tới Siberia. Biến cố xảy ra đột ngột đến mức Anna không kịp để lại lời nhắn nào cho chồng. Khi chiến tranh kết thúc, Boris đã tìm kiếm vợ mình trong nhiều năm trời nhưng không thấy. Vì quá đau buồn và quẫn trí, Anna đã có ý định tự tử. Cuối cùng, mẹ Anna đã phải phá hủy mọi vật kỷ niệm có liên quan tới Boris, bao gồm cả ảnh cưới để có thể giúp cô quên đi quá khứ. Sau nhiều năm không được quay về quê hương và cũng không thể gặp lại chồng, Anna cho rằng Boris đã quên mình nên đã quyết định tái hôn.

60 năm trôi qua kể từ ngày Boris và Anna bị chia cách, cuối cùng, điều kỳ diệu cũng đã xảy ra. Khi luật cấm vận được bãi bỏ, Anna trở về thăm quê cũ tại Borovlyanka và tình cờ gặp lại Boris cũng đang về viếng mộ cha mẹ. Dù đã xa cách hơn nửa thế kỷ, hai người vẫn nhận ra nhau ngay lập tức và chạy tới ôm chầm lấy nhau.

Cuối cùng, Anna và Boris đã tổ chức đám cưới thứ hai để viết tiếp chuyện tình còn dang dở năm xưa. Chuyện tình của hai người được mệnh danh là truyện cổ tích ngoài đời thực.

3. Chuyện tình The Notebook ngoài đời thực

Bộ phim The Notebook (tên Việt: Nhật ký tình yêu) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên là một trong số những tác phẩm tâm lý lãng mạn nổi tiếng nhất trong một thập niên qua. Phim kể về một phụ nữ bị mất trí nhớ và người chồng đã viết lại chuyện tình, chuyện đời của họ để đọc cho bà nghe.

Cặp đôi ông bà cụ Jack và Phyllis Potter chính là phiên bản đời thực của The Notebook. Trong những năm 90, Jack Potter đã phải chứng kiến vợ mình dần bị chứng mất trí nhớ khuất phục. Rất may là Jack có thói quen viết nhật ký từ khi còn nhỏ và chưa bao giờ từ bỏ thói quen này. Jack đã bắt đầu viết về Phyllis vào 4/10/1941, ngay sau lần đầu tiên hai người gặp gỡ. Đây là cách hai người quen nhau dựa vào nội dung cuốn nhật ký của Jack: “Đêm nay là một đêm tuyệt vời. Mình được nhảy với một cô gái rất đẹp. Hy vọng sẽ được gặp lại cô ấy”.

Một năm rưỡi sau đó, Jack và Phyllis chính thức nên nghĩa vợ chồng. Họ đã chung sống hơn nửa thế kỷ yên ấm cho đến khi Phyllis mắc chứng mất trí nhớ và buộc phải chuyển vào viện dưỡng lão. Tuy nhiên biến cố này không ngăn cản được tình yêu của Jack dành cho vợ mình. Ông tới thăm vợ mỗi ngày và đều đặn đọc cuốn nhật ký đã viết trong suốt hàng chục năm của mình cho bà nghe. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi của Jack, Phyllis dần dần có thể nhớ lại những kỷ niệm giữa hai người và cuộc sống trước kia của mình.

Cho đến hôm nay, hai người đã gắn bó được 70 năm và vẫn chưa bao giờ nguội nhạt tình cảm dành cho nhau.

4. 75 năm sau nụ hôn đầu

Trong vở kịch Công chúa ngủ trong rừng từ thời học tiểu học, Carol Harris đóng vai công chúa đã có nụ hôn đầu đời với “hoàng tử” George Raynes. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, George chuyển từ Saint John, New Brunswick tới Toronto, Ontario rồi đi làm và xây dựng gia đình tại thành phố này. 61 năm sau thì vợ George qua đời. Vì tuổi cao sức yếu, ông quyết định quay lại quê cũ để an hưởng những năm cuối đời. Bước ngoặt này đã giúp George có cơ hội tái ngộ với cô “công chúa” năm nào. Carol lúc này cũng chỉ còn lại một mình nên hai người nhanh chóng trở thành bạn thân của nhau. Cuối cùng, George đã cầu hôn Carol tại một nhà hàng ở Ontario.

George đã trả lời phỏng vấn của tạp chí People rằng chuyện tình của họ giống như câu truyện Người đẹp và quái vật, còn Carol chia sẻ: “Thật đáng kinh ngạc, sau 75 năm, cuối cùng tôi đã tìm thấy hoàng tử của đời mình”.

5. 100 tuổi mới cưới được người phụ nữ trong mơ

Năm 1983, bạn bè chung đã cố tình tổ chức một bữa tiệc để Forrest Lunsway và Rose Pollard có cơ hội làm quen với nhau. Thời điểm này, Forrest đã góa vợ hai lần còn chồng Rose thì vừa qua đời sau cơn bạo bệnh. Tuy nhiên Rose không muốn tái hôn mà chỉ muốn có một người bạn để tâm tình. Forrest chấp nhận điều này. Từ đó, hai người thường xuyên gặp gỡ dù nơi ở của họ cách nhau tới 64 km.

Trong suốt 20 năm sau đó, Forrest vẫn kiên trì làm “bạn thân” của Rose. Tần suất họ hẹn hò dần tăng lên mức hàng ngày. Thậm chí, có những lần Forrest còn lái xe tới đưa đón Rose ra ngoài hóng mát rồi lại quay về nhà mình chỉ trong một ngày.

Đến năm 2003, Forrest quyết định chuyển tới sống cùng Rose tại ngôi nhà gần bãi biển Capistrano. Cũng tại nơi này, ông đã cầu hôn người phụ nữ của đời mình. Vì tuổi đã cao (Forrest 90 tuổi, Rose 80 tuổi) nên Rose cho rằng Forrest chỉ đang đùa. Bà nói rằng sẽ đồng ý nếu hai người sống tới được 100 tuổi. Tuy nhiên Forrest không coi đó là một lời đùa. Đúng ngày sinh nhật thứ 100 của Forrest, ông đã cầu hôn Rose một lần nữa và cuối cùng đã đạt được ước nguyện.

Sau đó không lâu, Forrest và Rose đã tổ chức một hôn lễ đầm ấm tại Trung tâm Cộng đồng ở địa phương và nghỉ tuần trăng mật tại một khách sạn có cửa sổ nhìn ra biển. Khi thông tin về lễ cưới được lan truyền, hai người đã nhận được vô số lời chúc phúc từ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng đã gửi lời chúc đặc biệt nhất tới họ.

6. Cặp vợ chồng chung sống lâu năm nhất

Ann 17 tuổi và John 21 tuổi lớn lên trong cùng một khu phố. Hai người phải lòng nhau một cách tự nhiên và tất yếu. Như nhiều cặp đôi trẻ khác, hàng ngày, John đều tới nhà đưa đón Ann đi học tại trường cấp ba Connecticut. Tuy nhiên cha mẹ Ann đã ngăn cấm mối quan hệ này và ép cô phải cưới một người hơn cô 20 tuổi. Để bảo vệ tình yêu của mình, Ann và John đã cùng bỏ trốn tới New York. Vì cho rằng tình yêu bồng bột của tuổi trẻ sẽ nhanh chóng kết thúc, cha mẹ Ann không quá ráo riết tìm kiếm cô.

Cặp uyên ương rời nhà ra đi từ năm 1932 và tận mặt chứng kiến những biến động lớn của thế giới. Họ đã sát cánh bên nhau suốt thời kỳ Đại khủng hoảng, Thế chiến II, cho tới thời kỳ ti vi và Iphone lên ngôi. Không như dự đoán của gia đình Ann, cuối cùng họ đã chung sống với mối tình đầu của mình trong hơn 80 năm. Hai người vừa kỷ niệm 82 năm ngày cưới vào 24/1/2014 vừa rồi. Họ có một đại gia đình đông đảo với năm con, 14 cháu và 16 chắt. Năm nay, John đã 102 tuổi và Ann 98 tuổi và hiện đang là cặp vợ chồng già nhất vẫn đang còn sống ở Mỹ.

7. Bản tình ca cảm động nhất

Fred Stobaugh chưa bao thực sự vượt qua được cái chết của vợ mình. Năm 1940, Fred đã kết hôn với Lorraine – cô gái mà ông gọi là “người đẹp nhất” ở Peoria, Illinois. Hai người đã chung sống hạnh phúc suốt 73 năm, có với nhau ba người con và bốn đứa cháu. Sau khi Lorraine qua đời, Fred năm nay 96 tuổi đã phải cố gắng rất nhiều để xoa dịu nỗi đau này. Một tháng sau tang lễ của vợ, Fred đã tham gia một cuộc thi sáng tác nhạc của địa phương và viết một ca khúc cảm động về vợ, mang tên Sweet Lorraine (Lorraine ngọt ngào). Vì không có kiến thức về nhạc lý và thẩm âm nên Fred đã gửi một bức thư kèm lời bài hát tới studio Green Shoe. Các chuyên gia tại đây đã quyết định phổ nhạc và giúp bài hát của Fred đến với thính giả.

Ca khúc Sweet Lorraine đã đứng đầu bảng xếp hạng của đài phát thanh trong suốt nhiều tuần. Sau đó, studio Green Shoe đã thực hiện một bộ phim tài liệu về Fred và tình yêu ông dành cho người vợ quá cố của mình.

8. Kết hôn sau 61 năm phải yêu “vụng trộm”

Ngay trong lần đầu gặp gỡ vào những năm 1950, John Mace và Richard Dorr đã phải lòng nhau. Lúc bấy giờ, hai người đều là sinh viên tại trường Juilliard và đều có tình yêu lớn với âm nhạc. Năm 1983, khi con trai duy nhất của John qua đời trong một tai nạn ô tô, Richard đã luôn sát cánh để giúp ông vượt qua đau buồn. Trước đó, Richard đã sống cùng bố con John như một gia đình.

Trong nhiều năm trời, họ đã phải che giấu mối quan hệ thật sự của mình với cả thế giới. Mãi đến khi thành phố New York hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính năm 2011, hai người mới có thể công khai thể hiện tình yêu. Cặp đôi đã tổ chức một buổi tiệc nhỏ cùng gia đình, bạn bè thân thiết và một số phóng viên để thể hiện tình yêu sau suốt 61 năm “vụng trộm”. Họ đã tổ chức hôn lễ vào tháng 6 năm 2011. Hiện nay, John Mace đã 84 tuổi, Richard Dorr đã 91 tuổi và hai người vẫn sống hạnh phúc bên nhau.

9. Cặp đôi cùng ngày sinh –  cùng ngày mất

Les Brown Jr. và Helen cùng sinh vào 31/12/1918. Họ bắt đầu yêu nhau từ khi học cấp ba. Tuy nhiên tình yêu của họ bị gia đình Les cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Trong khi Les là con trai của một tài phiệt thì cha mẹ Helen chỉ là công nhân viên chức thuần túy. Không chấp nhận lý do gia đình đưa ra, ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba, hai người quyết định tự ý kết hôn. Từ đó, họ chung sống hạnh phúc tai miền Nam bang California, Mỹ.

Les và Helen không rời xa nhau nửa bước, kể cả khi hai người đã bước sang tuổi 90 và mắc bạo bệnh. Sau 75 năm nên nghĩa vợ chồng, Helen đã qua đời vào 16/7/2013 và chỉ vài tiếng sau, Les cũng trút hơi thở cuối cùng.

10. Gặp nhau lần đầu… trong ngày cưới

David Hurd đã rời khỏi Jamaica đến sinh sống tại thành phố New York vào năm 1907. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải làm mọi loại công việc để kiếm tiền. Trong những ngày tháng vất vả và cô đơn đó, ông bắt đầu viết thư cho một cô gái vùng Caribbean. Cô gái đó tên là Avril Cato và bức thư đầu tiên bà nhận được từ David là vào tháng 10 năm 1913. Hai người liên tục thư từ qua lại trong suốt nhiều năm sau đó và dần nảy sinh tình cảm đặc biệt với nhau dù chưa một lần gặp mặt.

Cuối cùng, David đã quyết định mạo hiểm gửi lời cầu hôn đến Avril. Bất ngờ là không chỉ Avril mà cả gia đình cô cũng chấp thuận lời cầu hôn này. Lần đầu tiên hai người gặp nhau ngoài đời thực chính là trong… lễ cưới của họ vào tháng 8 năm 1914, tại Jamaica. Thế nhưng David và Avril đều nhận ra nhau ngay lập tức và không hề bất ngờ về ngoại hình của nhau. Sau đám cưới, Avril chuyển đến sống cùng David tại New York. Họ đã cùng nhau gây dựng một gia đình hạnh phúc với sáu người con tại thành phố này. Khi Avril qua đời vào năm 1962, David thề sẽ không tái hôn và không để ai thay thế vị trí của bà trong tim ông. Ông đã thực hiện được lời thề của mình và nhắm mắt xuôi tay vào năm 1971.

Nguồn: Theo Live Science

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.