Trước khi cưới, anh rể tôi là người khỏe mạnh, công việc ổn định, thu nhập khá. Sau khi cưới, anh rể bị tai nạn, mất hơn 30% sức lao động. Không còn sức khỏe để sửa máy cắt cỏ, anh đành phải “về hưu” sớm. Từ người nội trợ, chị tôi đảm nhận vai trò trụ cột gia đình thay chồng.
Mỗi ngày, chị dậy từ 3 giờ sáng, ra chợ lấy hoa tươi về bán. Cửa hàng hoa ở nhà nên mọi việc từ cơm nước, chăm con đến cắm, giao hoa đều một tay chị. Chị giống như một cái máy, chạy hết công suất, tất bật với việc kiếm tiền lẫn nội trợ. Biết sức khỏe chồng giảm sụt, sợ chồng mệt nhọc nên bao nhiêu gánh nặng, chị tôi đều làm thay chồng.
Mọi việc trong nhà đều một tay chị lo liệu
Từ việc đóng kệ trong nhà, thay sửa bóng đèn, bưng bê gạo, nước uống, đồ đạc…nói chung là tất tần tật việc nặng, đều đến tay chị. Nhiều hôm, khách đặt hàng gấp, con khóc, chị nhắc chồng giữ con giúp chị. Anh càu nhàu, cáu bẳn, mặt nặng mày nhẹ. Thấy chồng không kiếm được tiền, chị đề nghị chồng phụ giúp mình vài công việc nhà nhẹ nhàng, vừa sức lao động của anh như quét, lau nhà, vệ sinh toilet. Anh đồng ý nhưng với điều kiện phải chia ca trực. “Để anh làm hoài, mất công em ỷ lại”, anh thẳng thừng.
Những khi rảnh rang, chị muốn đi nhuộm hay uốn tóc, anh cũng nhăn nhó với lí do chị không giữ con cho anh nghỉ ngơi. Đứa con nhỏ hơn một tuổi trở thành chủ đề cãi vã thường xuyên của hai vợ chồng. Nhiều lần thấy chồng ích kỷ, sanh nạnh với mình từng chút việc, chị đành gửi con đi nhà trẻ để “giải phóng” cho cả hai vợ chồng. Nghĩ chồng không có việc làm nên sinh ra buồn bực, khó tính, chị xin cho anh việc bảo vệ ở trường học, ngày chỉ làm 4 tiếng nhưng anh lại nổi giận đùng đùng. Anh nói chị xem thường anh, biết anh sức khỏe yếu mà vẫn ép anh đi làm.
Mỗi lần gặp nhau, chị tôi không giấu được nỗi buồn, than thở chuyện chồng con. Chị bảo tôi đừng kết hôn, sống một mình cho nó khỏe. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại chị: “Vì sao khi yêu, anh nhiệt tình, chăm chỉ vậy mà giờ chỉ lấy nhau có vài năm đã thay đổi hoàn toàn?”. Chị tôi cười chua xót, nhớ lại những tháng ngày yêu nhau đẹp như giấc mộng.
Chị phải đối diện với người đàn ông lười biếng, vô trách nhiệm
Khi đó, anh làm thợ máy ở Củ Chi còn chị tôi bán hoa tươi ở trên Q.3, mỗi ngày anh chạy xe máy hơn 50 cây số để lên gặp chị. Anh không quản thức khuya, dậy sớm, giúp chị đi chợ lấy hoa. Người đàn ông từng san sẻ bao việc nặng nhọc với chị đã “biến” đi đâu mất kể từ khi kết hôn.
Giờ đây, mỗi ngày, chị đối diện với người đàn ông làm biếng và thiếu trách nhiệm. Đôi lần, chị cố an ủi mình bằng lí do sức khỏe anh không tốt nên mới sinh ra đổi tính nết. Nhưng ngẫm lại những việc chị nhờ anh giúp đều nhẹ nhàng, đâu có lí do gì để anh từ chối.
Sau 3 năm kết hôn, chị tôi nghiệm ra một điều, đàn ông khi yêu thường tử tế, ga lăng, rộng lượng với phụ nữ nhưng khi lấy về, họ mới sống thật với chính mình, trở nên ích kỷ, nhỏ mọn hơn. Chị bảo ngay cả trong chuyện chăn gối, đàn ông cũng chỉ thích hưởng thụ một mình và ít khi nào quan tâm đến cảm nhận của người bạn đời.
Hầu hết phụ nữ đều vì con cái, vì danh dự bản thân, nhẫn nhịn chịu đựng những tính xấu của chồng. Hiếm phụ nữ được chồng trân trọng, yêu quý như khi ở giai đoạn đang yêu. Và đa phần phụ nữ đều chấp nhận con người thật của chồng sau khi kết hôn với sự cam chịu. Chị bảo tôi nếu không tin hãy hỏi tất cả những người phụ nữ đã kết hôn xem họ có hài lòng, có thấy người bạn đời của mình lúc yêu và sau khi cưới đối xử với họ giống nhau không?
Nhìn gương mặt gầy, hốc hác và đôi mắt đong đầy nỗi sầu muộn của chị, tôi thấy vừa thương, vừa giận chị. Vì sao chị lại lại phải suy nghĩ như các phụ nữ khác, coi việc “chịu đựng” là lẽ đương nhiên, là số phận của người phụ nữ khi đã lấy chồng. Phải chăng sinh ra là kiếp đàn bà đều phải gánh chịu thiệt thòi như vậy? Phải chăng đàn ông có quyền thụ hưởng còn phụ nữ lại phải có nghĩa vụ hi sinh?
Nguồn: Theo Ph? n? TPHCM
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.