Đánh con có phải là cái tội?

0
106

Con gái tôi 3 tuổi, khá thông minh và đáng yêu nhưng cháu cũng có nhiều khi rất hay quên, không chịu nghe lời bố mẹ. Chẳng hạn, tôi đã nói rất nhiều lần là con không được phép mở tủ lạnh để lấy sữa và thức ăn khi chưa xin phép mẹ. Đặc biệt nếu mở tủ lạnh ra thì phải đóng vào ngay. Nhưng hơn một lần, vì lý do mải ôm sữa và kẹo bánh ra nên cháu quên, cứ để cánh cửa mở ra cho đến khi tôi phát hiện và đóng lại. Đến một hôm, tôi phải dùng chiếc roi tre, bắt con đứng úp mặt vào tường và đánh con 2 roi, vì lý do mở tủ lạnh lấy sữa uống khi chưa xin phép mẹ, và quên không đóng cửa tủ. Con xin lỗi tôi, rồi từ hôm ấy trở đi con tôi không bao giờ mở tủ lạnh khi tôi chưa cho phép, và luôn nhớ đóng cánh cửa lại ngay.

Chuyện đến tai chị hàng xóm nhà tôi. Chị trách tôi sao lại đánh con bé. Chị khuyên tôi hãy dùng một tấm bảng có ký hiệu, yêu cầu người mở ra phải đóng cánh tủ lại ngay. Tôi biết, chị sống khá hiện đại, luôn đề cao những kinh nghiệm, phong cách mới, chị tiếp thu quan điểm không được dùng bạo lực với trẻ em, và con chị không bao giờ bị bố mẹ dùng roi vọt.

Có điều, tôi nghĩ đánh con với ý nghĩa là một biện pháp, trong đó có sử dụng roi vọt, hoàn toàn không phải là chuyện bạo hành con. Tôi không biết từ khi nào người ta đánh đồng biện pháp dùng roi đánh con với sự tra tấn, bạo hành đứa trẻ. Và không hiểu từ khi nào người ta chắc chắn rằng những cha mẹ vẫn còn dùng roi vọt với con là những người ác độc, thiếu văn hóa cư xử hay là lạc hậu kiểu Nho giáo…

Ông nội tôi là một nhà Nho chuẩn mực. Ông đã từng phạt bố tôi quỳ gai mít mỗi khi bố tôi không chịu học bài. Cho đến giờ, ông mất rồi, bố tôi cũng đã trở thành ông ngoại, bố vẫn nói rằng những bài học nhớ đời khi phải quỳ gai mít đã rèn cho bố bản tính kỷ luật và kỹ năng đọc sách. Đọc thật kỹ, nhớ chính xác, hiểu rõ ràng trước khi đặt câu hỏi là điều mà bố mang theo suốt hành trang tri thức và dạy lại cho tôi. Tôi đã được bố tôi dạy đọc, dạy học, dạy cách cảm nhận và đánh giá… Bố không phạt tôi quỳ gai mít nữa nhưng những lần nằm sấp “ăn” cán chổi cũng dạy tôi nhiều điều. Tôi tuyệt đối yêu thương, kính trọng ông nội và bố mình. Bởi ngoài sự nghiêm khắc khi dạy học, bố tôi và ông tôi đều cho tôi thấy một tình yêu thương lớn lao và tuyệt đối. Không có vẻ gì chứng tỏ họ độc đoán, gia trưởng, tra tấn, bạo hành… như những gì người ta vẫn nói khi đề cập đến vấn đề roi vọt. Thậm chí, ngay cả trong lúc bực bội bố tôi cũng chưa từng cư xử cục cằn với mẹ con tôi… Đến bây giờ, tôi vẫn phạt con theo cách ấy và chỉ cần ghi nhớ 4 điều:

1. Trả lời rõ câu hỏi: đánh con vì điều gì?

Tôi, dù không thể giấu nỗi bực mình khi con làm sai nhưng tôi không đánh con để thỏa mãn sự tức giận. Nếu mỗi lần bực bội, chúng ta lại tự cho mình cái quyền đánh con, thì ta phải tra tấn con đến nỗi tàn tật may ra mới thỏa mãn được sự “ấm ức” trong lòng. Vì vậy, bằng lương tâm mình, chỉ cần những bậc cha mẹ trung thực xác nhận với chính mình, rằng mình không đánh con vì sự bực bội nhất thời, vậy là được rồi. Không cần phải ôm đồm quá nhiều lý thuyết vào đây.

2. Chỉ đánh sau khi đã có quá trình kiểm tra, giám sát, nhắc nhở mà con không tiến bộ

Con có quyền được tận dụng một khoảng thời gian khắc phục lỗi sai trước khi cha mẹ phải dùng đến biện pháp mạnh hơn. Và nếu trong thời gian cho con khắc phục lỗi sai mà cha mẹ không giám sát, kiểm tra, nhắc nhở thì lỗi ấy hoàn toàn thuộc về cha mẹ.

3. Giải thích rõ lý do vì sao con bị đánh, và xác định mức độ khi đánh con

Ta không thể cứ lôi xềnh xệch con ra để đánh tới tấp trong khi con còn chưa hiểu con sai ở đâu. Vì vậy, trước khi đánh phải nói rõ vì sao con bị đánh, và con bị đánh bao nhiêu roi. Nếu lần sau còn tái phạm thì tăng lên mức độ nào?

4. Trên tất cả vẫn là tình yêu thương

Mỗi một chúng ta, khi làm cha làm mẹ, đều có một trái tim và ý thức tự phản chiếu hành vi của mình. Bởi vậy, cách tốt nhất là hãy để cho chính mình được cân bằng lại, để trung thực với mình, để hiểu, mình dành cho con tình cảm ra sao và thường nóng nảy, khó chịu với con vì những lý do gì. Ta nóng nảy vì chính ta mất kiểm soát với ta, hay vì cảm thấy con đang cần một biện pháp cứng rắn hơn để chấm dứt cái sai, sẽ chỉ có chính ta trả lời được, với đầy đủ lương tâm và trách nhiệm của mình.

Dù được giáo dục bằng cả đòn roi mà đứa trẻ của ta vẫn biết ta yêu thương nó, thì mọi sự đều tất sẽ an lành!

Mẹ Zôm

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.