Từ những vật liệu tự nhiên và sẵn có ở địa phương, các nhà khoa học Mỹ vừa chế ra loại đất có thể lọc nước mưa cũng như tạo môi trường sinh trưởng tốt hơn cho cây xanh, qua đó tạo bóng mát, hạ nhiệt và nhất là hạn chế ô nhiễm không khí ở đô thị.
Thực hiện dự án giảm thiểu tình trạng nước mưa hoặc nước thải đọng vũng trên mặt đường, Trung tâm nghiên cứu rừng đô thị thuộc Bộ Lâm nghiệp Mỹ tạo ra hỗn hợp đất gồm 30% đất sét trộn và 70% đá dung nham xốp lấy từ dãy núi Sierra Nevada ở bang California.
Đất nhân tạo giúp cây phát triển tốt trong môi trường “bê tông” ở đô thị. (Ảnh: iStockphoto) |
Qua nhiều lần thí nghiệm, các chuyên gia nhận thấy đất được đặt tên Davis này có khả năng lọc bỏ ít nhất 50% lượng nitơ, phốt pho và 75% kim loại nặng trong nước thải. Nếu sử dụng để trồng cây trong hố sâu vuông vức 1,2m, đất Davis có thể hấp thu và lọc 568 lít nước, chưa kể 190 lít nước mà một cây cao 12-15 m có thể tự hấp thu và tích trữ.
Ngoài tạo bóng mát, cây xanh còn hút carbon dioxide (CO2) và các chất ô nhiễm khác trong không khí. Tuy nhiên, đất thông thường và các phương pháp trồng cây vô tình làm giảm hiệu quả về mặt này. Chẳng hạn khi xây dựng bãi đậu xe hoặc lối đi bộ, khoảng 60-90 cm lớp đất trên cùng bị bỏ đi trong khi phần còn lại được tráng nhựa.
Do vậy, khi trồng cây tạo bóng mát, cây sẽ khó phát triển tốt do rễ không thể ăn rộng vào lớp đất bên dưới. Ngoài dùng để trồng cây xanh, đất Davis có thể dùng để lót nền mặt đường, vỉa hè hoặc dùng làm tiểu đảo dọc theo các con đường để hút nuớc mưa và lọc trước khi nước thấm qua tầng đất cái và bổ sung vào mạch nước ngầm.
N.MINH
Theo Discovery News, Báo Cần Thơ