Đầu bút bi “bỏ quên” 3 tháng trong phế quản bé trai 6 tuổi

Sáng 8.1, bác sĩ CKII Nguyễn Tuấn Như, Phó Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM thông tin về trường hợp của bé L.T.T (ngụ ở Đồng Nai, SN 2009) bị mắc dị vật là đầu bút bi bằng nhựa trong phế quản gây viêm phổi kéo dài. Bé T được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vào ngày 6.1 trong tình trạng khó thở, ho kéo dài. 

Chị L.T.N.G – mẹ bé T kể, 3 tháng trước, bé đi học về thì bị sặc, khó thở. Khi mẹ hỏi thì bé kể, trong giờ ra chơi, bé có ngậm đầu bút bi thì bị bạn xô ngã và lỡ nuốt vào họng. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện gần nhà để điều trị theo phác đồ điều trị viêm phổi nhưng suốt 3 tháng liền không khỏi. 

Sau đó, bé được đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ cháu có dị vật bị bỏ quên trong đường thở nên tiến hành chụp CT scan cổ ngực. Phim chụp cho thấy có dị vật dạng đường ống trong lòng phế quản thùy dưới bên phải. Bé được soi đường thở, gắp dị vật. Hiện tại, sức khỏe của bé ổn, đã chấm dứt tình trạng ho, khó thở, đau ngực.

 Dị vật được lấy ra khỏi phế quản bé T là đầu bút bi bằng nhựa (ảnh K.Q)

Cách đây 1 tuần, bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu một em bé bị ngưng thở do mắc hạt chôm chôm. Bé được chuyển từ Bệnh viện tỉnh lên trong tình trạng đã được đặt nội khí quản. Khi các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 chụp CT scan thì thấy dị vật đã được đẩy ra ngoài. Tuy nhiên em bé vẫn không thể cứu sống vì đã ngưng thở.

Bác sĩ Tuấn Như cho biết, mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận rất nhiều ca trẻ bị mắc dị vật vào đường thở. Đặc biệt là dịp tết âm lịch luôn tiếp nhận khoảng 5-10 trẻ bị mắc dị vật là hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương…trong đường thở. Bên cạnh đó, không ít trẻ nhỏ nhập viện do cháo hoặc sữa rơi vào đường thở. Tình trạng mắc dị vật trong đường thở thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng-6 tuổi – lứa tuổi trẻ còn bú, ăn chậm và hay ngậm đồ chơi. 
Bác sĩ Như cảnh báo, với trẻ nhỏ, các mẹ nên chú ý tìm hiểu và cho con bú đúng tư thế. Không nên để trẻ vừa nằm vừa ăn. Với trẻ lớn tuyệt đối không cho chơi với các vật nhỏ, đồ chơi nhỏ khiến bé ngậm và nuốt các đồ vật này. Phụ huynh cũng không nên để trẻ ăn hoặc chơi với các loại hạt như đậu, đậu phộng, hạt dưa, hạt bí, hướng dương…nên chú ý khi cho trẻ ăn các loại quả có hạt nhỏ như chôm chôm, nhãn, vải, mãng cầu…

Nguồn: Theo Lao động

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.