Hãy ghi nhớ những dấu hiệu của trẻ bị bệnh viêm phổi – viêm tai giữa dưới đây để chăm sóc và điều trị sớm nhất cho trẻ nhé!
Dấu hiệu của bệnh viêm phổi
Bé khó thở do thiếu oxy: Vì thế, bé buộc phải thở nhanh để bù đắp sự thiếu hụt này. Do đó, cha mẹ cần lưu ý thở nhanh là triệu chứng sớm nhất của viêm phổi. Phụ huynh có thể kiểm tra xem bé có thở nhanh hay không bằng cách đếm nhịp thở của bé bằng đồng hồ có kim giây, trong vòng một phút.
Dấu hiệu bé thở nhanh, cụ thể:
– Nhịp thở là 60 lần/phút trở lên ở bé dưới 2 tháng tuổi.
– Từ 50 lần/phút trở lên ở bé 2-11 tháng.
– Từ 40 lần/phút trở lên ở bé 1-5 tuổi.
Lưu ý: Vì nhịp thở của bé có thể tăng lên khi bé quấy khóc, bú… nên cha mẹ chỉ có thể đếm nhịp thở của bé khi bé đang nằm im, tốt nhất là đang ngủ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, cách đếm nhịp thở này không phải lúc nào cũng chính xác và cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất giúp xác định bé có bị viêm phổi hay không. Do đó, nếu nghi ngờ bé bị viêm phổi, cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện khám ngay lập tức.
Dấu hiệu viêm phổi nặng là bé thở gây lõm lồng ngực.
Các dấu hiệu cảnh báo viêm phổi khác ở bé mà mẹ cần lưu ý:
– Bé sốt cao đột ngột (39-40°C). Bú kém hoặc bỏ bú, co giật hay ngủ li bì.
– Bé thở khò khè.
– Hoặc bé sốt ngày một tăng, kèm ho khan.
– Bé ho khạc ra nhiều đờm; bé có biểu hiện đau tức ngực.
Dấu hiệu viêm tai giữa ở bé
– Bé bị sốt, thường là sốt cao 39-40°C, nhức đầu.
– Bé quấy khóc nhiều.
– Bé bỏ bú, kém ăn, nôn trớ.
– Bé rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
– Bé không phản ứng khi có tiếng động.
– Bé đau tai, khó chịu.
– Khi bệnh nặng sẽ thấy chảy mủ tai còn các triệu chứng phía trên sẽ giảm dần.
Biến chứng viêm tai giữa: Viêm tai giữa ở bé có thể gây thủng màng nhĩ, làm hỏng xương tai… ảnh hưởng đến sức nghe của bé và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm trùng sọ não rất nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).
Lưu ý: Các dấu hiệu kể trên chỉ mang tính tham khảo. Nếu mẹ phát hiện thấy bé bị sốt, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn… thì nên nhanh chóng đưa bé đi khám để bác sĩ chẩn đoán bệnh và có cách điều trị cho bé.
(Theo M&B)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.