Dạy con kiểu phương Đông hay kiểu “mẹ Tây”?

Bội thực những chuyện về “mẹ Tây

Không khó để bắt gặp những câu chuyện về “mẹ Tây”, “mẹ Úc”, “mẹ Nhật”… trên các trang báo mạng, qua những trang sách về nuôi dạy con cái bây giờ. Thời hội nhập này, những người làm mẹ có điều kiện hơn xưa, họ được học ngoại ngữ, họ được ra nước ngoài, họ được sống và làm việc trong môi trường năng động, tiên tiến, bởi thế họ dễ dàng tẩy chay, “dị ứng” với cái cũ, cái bảo thủ và luôn có một khát khao đổi mới.

Nhưng nói thật, tôi không thể giấu được cảm giác “chán ngấy” khi phải nghe những câu chuyện về những bà mẹ nước ngoài, về nền giáo dục nước ngoài. Từ chuyện ở nước ngoài người ta không chọn trẻ con làm lớp trưởng, đến chuyện ở nước ngoài người ta không đăng ảnh con lên facebook, rồi ở nước ngoài người ta không dùng roi vọt với con, người ta không can thiệp vào việc con cái mình lựa chọn nghề nghiệp hay trường lớp…

Đừng ném đá tôi. Chính tôi cũng đang áp dụng phương pháp ăn dặm “baby led weaning” – một kiểu ăn dặm theo phương pháp “mẹ Tây” cho con của mình. Chính tôi cũng đang áp dụng hình thức “Time out” khi xử phạt. Tôi thậm chí không can thiệp vào chuyện con tôi là con gái nhưng cực kỳ ham mê đá bóng thay vì múa hát… Tôi cũng học theo “Tây” đấy chứ, cũng biết điều gì nên theo, thậm chí phải kiên quyết theo đến cùng để xóa bỏ cái tư duy ỳ trệ. Nhưng tôi cảm thấy, phải chăng nền giáo dục truyền thống Việt Nam đang lép vế, đang bị tẩy chay bởi chính những bà mẹ Việt chúng ta?

>> Xem thêm: Dạy con không roi mới là mẹ giỏi

Vì chúng ta đang thiếu tự tin?

Tôi chỉ muốn nói về nét văn hóa truyền thống trong giáo dục. Tôi phải nhắc lại rằng chúng ta lạc hậu về kinh tế, ta chậm tiến về kỹ thuật hơn, hoặc nền giáo dục của ta đang đứng ỳ một chỗ không phải là lỗi của truyền thống văn hóa, nhất là văn hóa trong vấn đề giáo dục. Những gì chúng ta đã bực bội, đang chê trách nó thuộc về quản lý, thuộc về điều kiện kinh tế xã hội, và thậm chí là thuộc về chính cái thói quen hướng ngoại 1 cách tự ti mà không hiểu cụ thể điều kiện giống và khác nhau trong hoàn cảnh, của nhiều người Việt.

Nói công bằng, tư duy giáo dục truyền thống của phương Đông, trong đó có Việt Nam mới chính là một lối tư duy tân tiến và nhân văn. Phương Tây đương nhiên là cũng nhân văn chứ, nhưng hướng đi mà nhân loại đang hướng tới chính là sự cư xử hài hòa, là sự “không tranh chấp” thay vì quyết liệt thắng – thua đến cùng. Điều mà thế giới hướng đến chính là quan niệm hài hòa với tự nhiên thay vì quá ham mê chinh phục, là sự duy trì trật tự, nền nếp trên cơ sở yêu thương trên kính dưới nhường thay vì bạo lực. Là việc những người phụ nữ hạnh phúc với nữ tính của mình và những người đàn ông tự hào về trách nhiệm chở che, thay vì cào bằng đến nỗi mất cân bằng, khiến con người ngày càng hoang mang và dễ đổ vỡ hơn trong những mối quan hệ của mình. Mà điều ấy, phương Đông và Việt Nam có nhiều thế mạnh hơn. Chúng ta có thể trầm trồ “đúng quá” khi một chuyên gia giáo dục phương Tây lên án người Việt ta dùng roi vọt với con, nhưng ta quên mất phương Tây cũng là nơi ồ ạt xuất hiện những sự việc lạm dụng tình dục trẻ em, đôi khi cả sự biến thái, bệnh hoạn, ghê rợn trong các mối quan hệ giữa người với người.  

Cho tôi một lần “bênh vực” truyền thống Việt

Tôi nhớ trước đây có một chương trình thi hoa hậu, hôm ấy, cô gái đăng quang ngôi vị cao nhất đã ca ngợi đức hi sinh của những người phụ nữ Việt Nam. Tôi thấy câu trả lời ấy hay và xúc động. Nhưng vì dư luận vốn nhiều ý kiến trái chiều nên tôi không bất ngờ lắm khi ngay sau đó có rất nhiều người cho rằng câu trả lời ấy không có gì mới mẻ. Thậm chí có người còn to tiếng, cho rằng phụ nữ Việt Nam đã đến lúc chấm dứt cái thời kỳ hi sinh ấy rồi, phải biết sống cho mình. Tôi thấy có người còn chê, phụ nữ Việt toàn những người tự biến mình thành nạn nhân rồi quay sang oán trách.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy có gì hay ho tốt đẹp khi một người vợ, một người mẹ sống ích kỷ, chưa từng biết hi sinh cho chồng con của mình. Hơn nữa, những giá trị nhân văn phổ biến như đức hi sinh, lòng hiếu thảo, lòng biết ơn… là những giá trị chung trên toàn thế giới, đâu phải chỉ người Việt mới cần. Và không có lý do gì đức tính ấy nổi bật ở những người phụ nữ Việt Nam ấy lại không được phép tự hào! Có lẽ ở đây có 2 vấn đề đang bị đánh đồng: 1 là hi sinh và 2 là hi sinh cho người không xứng đáng (những ông chồng ích kỷ, những đứa con  bất hiếu…).

Vô số những điều khác trong truyền thống của chúng ta cũng đang bị đánh đồng như vậy. Như việc rộng lượng tha thứ để giữ gìn một mái ấm gia đình ổn định đang bị hiểu là sự giả vờ, chịu đựng. Sự cố gắng gắn kết để những thành viên trong gia đình có những bữa cơm thân mật với nhau đang bị hiểu thành gò ép. Việc những người cha mẹ có ý kiến định hướng, góp ý cho con cái về nghề nghiệp tương lai đang bị cả đám đông ồn ào xem là bó buộc.

Tôi muốn một lần được bênh vực truyền thống phương Đông trong giáo dục. Bởi vì tôi không muốn đánh đồng nó với kết quả chưa tốt của nền giáo dục hiện nay. Giữa truyền thống giáo dục, quan điểm giáo dục và cách tổ chức những hoạt động giáo dục cụ thể là hai vấn đề khác biệt nhau, không thể đánh đồng…

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.