Tôi nhớ hồi bé, khi còn sống trong khu tập thể hơn chục hộ gia đình chen chúc. Hôm ấy nhà tôi có con mèo mẹ bị ốm, kiệt sức rồi chết. Tôi đã dỗ dành mãi mà con mèo con vẫn cứ nhoài ra khỏi vòng tay tôi, đi lang thang tìm mẹ, kêu gào thảm thiết. Mọi người trong khu tập thể khó chịu ra mặt vì “điếc tai”. Thậm chí có một chú còn cầm cái chày ném thẳng vào con mèo con đang hoảng loạn vì mất mẹ khiến nó sợ quá, chạy biến đi mãi không về nhà. Chắc là nó sợ hãi và đau khổ lắm, vì mẹ nó thì chết rồi, lại có những con người – thuộc một giống loài “cao cấp” hơn – làm nó bị đau đớn và xua đuổi nó.
Trong suốt những ngày mèo con không về, hôm nào tôi cũng khóc mặc cho bố mẹ dỗ dành. Chú hàng xóm sang nhà nói vài câu đãi bôi cho qua chuyện, tôi bỏ đi không thèm nghe. Đến tận bây giờ, hơn 10 năm đã trôi qua, mỗi lần gặp lại tôi cũng không bao giờ chào hỏi ông ta. Và cả hai vợ chồng họ đều bảo tôi láo toét, vì một con mèo mà coi thường con người, nhất là người đáng tuổi chú mình. Tôi im lặng. Tôi chỉ muốn dùng sự im lặng ấy để nhắc cho người hàng xóm và những người ở cùng “phe cánh” với sự tàn nhẫn ấy nhớ rằng, có những điều mất đi, vĩnh viễn không thể hàn gắn nổi. Như con mèo của tôi, trong lúc đau đớn, hoảng loạn vì mất mẹ, nó đã phải sợ hãi và đau đớn đến nỗi ra đi mà không trở về…
Tôi thấy có người phản đối ý kiến của mình bằng cách đưa ra cái luận điểm “nhân văn” vô cùng “đẳng cấp” rằng, con người không nên sống chung với động vật, vì vật nuôi đương nhiên phải sống trong chuồng trại, để chúng sống lẫn với người sẽ không đảm bảo chất lượng cuộc sống của con người, rồi lại còn lo cho thế giới đến mức, họ nói với tôi rằng với chi phí nuôi một con chó/mèo, nên dành để ủng hộ cho những người đói rét, rằng chúng ta còn nhiều việc phải lo hơn là lo cho vật nuôi… Tôi cười nửa miệng!
Chó/mèo vốn là loài động vật có chỉ số IQ rất cao và có đặc tính trung thành với người nuôi dưỡng mình. Điều này là khác biệt lớn nhất so với các loài động vật khác. Các loài khác có thể tinh nhạy, mạnh mẽ hơn nhưng kém thông minh hoặc không có sự trung thành. Đó là lý do tại sao đi qua lịch sử, với sự tiến hóa của chính mình và bảo vệ cho sự tiến hóa cao cấp ấy, con người lại chỉ ăn thịt các loài động vật có chỉ số IQ thấp, nhận thức kém: cá, tôm, cua ốc, lợn, gà, dê, cừu… và thuần dưỡng một số loài động vật có IQ cao, có tính trung thành để phục vụ cho đời sống, giải quyết những công việc của mình: kéo xe, cày bừa, coi nhà, bắt chuột… Nhóm này có chó, mèo, trâu, bò, ngựa. Đặc biệt chó và mèo, vốn vượt qua bản năng coi nhà, bắt chuột để trở thành những người bạn, biết nũng nịu vui đùa ở bên chủ bất chấp giàu nghèo cho đến khi qua đời.
Một đứa trẻ thơ, ngay cả khi chưa đến lớp, chưa có bạn bè, vẫn có thể cảm nhận được niềm vui với người bạn đầu tiên là những con vật nuôi bé nhỏ trong nhà. Bộ lông mềm và ấm của những loài vật nuôi là thứ đầu tiên tác động vào giác quan đứa trẻ, nó dạy trẻ về sự dịu dàng, ấm áp vô điều kiện. Nói không ngoa, đến mẹ đẻ còn có khi bực bội, căng thẳng mà đẩy đứa con bé bỏng của mình ra, chứ vật nuôi thì luôn khao khát được vỗ về, âu yếm và không bao giờ từ chối thể hiện tình cảm với người nuôi chúng, với bọn trẻ trong nhà. Vật nuôi và đứa trẻ, cùng nghịch ngợm như nhau, cùng khao khát được vỗ về như nhau, sẽ trở thành một “cặp bài trùng” ưng ý. Tình bạn vô tư, nguyên chất ấy, trong sáng hoàn toàn ấy rất xứng đáng được chúng ta tôn trọng, bởi nó sẽ đem lại cho đứa trẻ thơ trong gia đình sự thư giãn vô giá, niềm vui vô giá, và những cảm nhận vô giá, để kích thích sự phát triển các giác quan của mình. Một người mẹ yêu thương đứa trẻ mình sinh ra cũng bởi vì người mẹ ấy đã ôm ấp, đã xoa dịu, đã cảm nhận làn da và hơi thở con mình. Tình yêu thương dù là thứ tự nhiên sinh ra từ bản năng thì vẫn có thể lớn lên hoặc lụi tàn thông qua sự chăm sóc, nuôi dưỡng hay bỏ mặc. Đứa trẻ cần được yêu thương vô vàn, từ con người và cả những vật nuôi trong nhà, để yêu thương nhiều hơn nữa thế giới sinh động này, từ “dấu gạch nối” đầu tiên là những chú chó, mèo,…
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng vật nuôi rất có thể truyền bệnh cho con người. Đó là lý do tại sao chúng ta nên chấp nhận đầu tư một khoản tiền đúng mức để tiêm phòng, khám bệnh định kỳ cho chó/mèo. Đứa trẻ mà ta sinh ra, nếu không tiêm phòng, không được chăm sóc còn có thể mắc bệnh và truyền bệnh cho chính gia đình, chứ không riêng gì động vật. Hơn nữa, nếu ta lo lắng cho sức khỏe của con đến thế, sao ta không hạn chế sóng wifi, mang thật xa smartphone khỏi nơi vui chơi của con, tắt bớt các thiết bị điện tử trong nhà, mở cửa sổ để con đón khí trời cho nâng cao đề kháng. Các ông bố, nếu có thể hãy hạn chế thở vào mũi con thứ hơi thở sặc mùi cồn rượu, thuốc lá của mình, và các bà mẹ hãy nấu những bữa cơm thật nhiều rau củ, trong lành thay vì bóng nhẫy dầu mỡ,… Ta có làm được những điều ấy không, hay vì ta vốn khó mở lòng ra với vật nuôi nên khăng khăng đổ lỗi cho nguyên nhân con cái ta bị ốm là do chó mèo?
Con người chỉ là một phần trong toàn bộ những sinh vật kỳ thú trên thế giới này. Hãy gắn kết con với người bạn nhỏ của mình, để con yêu thế giới nhiều hơn. Đừng kỳ thị vật nuôi, tạo ra những ám ảnh không đáng có, để những đứa trẻ lớn lên, nhất nhất ỷ lại vào sức mạnh “bóp méo” tự nhiên, “hành hạ” tự nhiên của con người!
Mẹ Chúp Bi
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.