Đi đẻ – những thắc mắc thường gặp của mẹ

Đi đẻ - những thắc mắc thường gặp của mẹ

1. Tại sao em đau bụng nhưng vào khám thì các bác sĩ không cho nhập viện, trong khi bạn của em lại cho nhập viện ngay?

– Đôi khi bạn đau bụng nhưng cổ tử cung chưa mở hoặc chỉ 1cm, các bác sĩ có thể cho bạn về vì nhập viện sớm sẽ làm bạn mệt mỏi và sẽ không đủ sức khỏe để “rặn đẻ”. Tuy nhiên, nếu bạn ở quá xa thì có thể trình bày với bác sĩ.

2. Nhập viện sớm có lợi gì không?

– Thường mang tính tâm lý. Bà bầu yên tâm vì được theo dõi trong bệnh viện. Nhưng sẽ gây mệt mỏi cho sản phụ.

3. Em nghe nói có nhiều người vào bệnh viện đến 2 – 3 ngày sau mới sinh?

– Có thể sản phụ nhập viện hơi sớm nên chờ đợi hơi lâu.

Đi đẻ - những thắc mắc thường gặp của mẹ

4. Em đau bụng, báo bác sĩ nhưng được trả lời rằng “mới khám nên không sao đâu”, là sao vậy?

– Thường trung bình cổ tử cung mở 1cm/ 1 giờ. Nên nếu vừa khám xong thì đôi khi không cần phải khám lại ngay vì cổ tử cung chưa thay đổi nhiều. Khám âm đạo nhiều lần cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ối và phù nề cổ tử cung.

5. Vào bệnh viện phải nằm đo tim em bé lâu quá, mỏi lưng gần chết, người nhà lại lo nữa. Sao không siêu âm để nhanh hơn.

– Siêu âm thai nhanh nhưng chỉ có thể đánh giá tim thai khoảng 1 phút. Đo tim bé sẽ đánh giá lâu hơn (mức độ chính xác cao hơn) và hơn nữa có thể đánh giá xem bé có khỏe hay không khi có cơn co tử cung.

6. Sáng nay có 1 chị khám nói mở 5cm bây giờ khám nói chỉ có mở 4cm là sao? Có phải cổ tử cung của em “thu nhỏ” lại không?

– Đánh giá độ mở cổ tử cung thì thường mang tính tương đối, nên giữa 2 người khám có thể chênh lệch nhau.

Đi đẻ - những thắc mắc thường gặp của mẹ

7. Em phải làm gì để cho “con em khỏe khi em đau bụng nhiều” trong quá trình chuyển dạ?

– Các bạn cố gắng đừng “gồng người, nín thở”, điều này sẽ làm bé mệt thêm. Bạn nên hít thở sâu để tăng lượng oxy cho bé giúp bé khỏe để chịu đựng tốt cơn co tử cung.

8. Tại sao có người được khám nhiều lần, còn em chỉ khám một lần?

– Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ quyết định số lần khám. Bác sĩ không khám cho bạn không có nghĩa là không quan tâm đến bạn.

9. Sao lâu quá em không sinh, bác sĩ có thuốc cho sinh nhanh hơn không?

– Có thuốc làm cho tăng cơn co tử cung sẽ giúp sinh nhanh hơn nhưng phải do bác sĩ chỉ định.

10. Em có cần ăn uống kiêng cữ gì không?

– Bạn vẫn ăn uống bình thường để có sức khỏe khi “rặn sinh”.

– Nên ăn thức ăn dễ tiêu, ăn ít nhưng có thể ăn nhiều lần.

Xem thêm

Kinh nghiệm đi sinh ở bệnh viện phụ sản hà nội

Cách tắm cho trẻ sơ sinh

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh

Làm đẹp sau sinh

 

(Theo FB Bs Nguyễn Quốc Tuấn)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.