Không chỉ có robot rắn sửa chữa các công trình dưới biển, robot rắn bảo trì máy bay,… mà bây giờ các nhà nghiên cứu còn tạo ra cả một con robot rắn “sửa chữa cơ thể người” mang tên Flex. Được thiết kế bởi giáo sư Howie Choset tại viện robot thuộc Đại học Carnegie Mellon, Flex có cơ thể linh hoạt như rắn nói trên sẽ chui vào cơ thể người qua đường miệng, sau đó tiến hành các phẫu thuật tại khu vực cổ họng với mức độ xâm lấn được giảm xuống tới mức tối đa, từ đó đẩy nhanh thời gian hồi phục của bệnh nhân.
Không chỉ thế, nó còn có thể được dùng như một robot nội soi ở nhiều khu vực khác trên cơ thể, thí dụ như phẫu thuật vùng bụng. Mặc dù kỹ thuật mổ nội soi hiện tại được cho là có mức độ xâm lấn ít hơn nhiều lần so với phương pháp mở ổ bụng truyền thống. Người ta chỉ cần mở một lỗ nhỏ, sau đó đưa những cái ống và dây dẫn dài luồn vào trong là đã có thể tiến hành thao tác phẫu thuật qua màn hình bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một hạn chế là không thể luồn lách qua các cơ quan trong cơ thể người một cách linh hoạt được. Và do đó, con rắn robot phẫu thuật Flex ra đời.
Robot Flex có thể được áp dụng cho nhiều ca phẫu thuật với các nhu cầu khác nhau.
Sau khi gây mê bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa con rắn vào đường miệng và dùng bộ điều khiển để đưa nó tới vị trí cần thiết. Các bác sĩ sẽ dùng tay để điều khiển tia laser, kẹp, gắp và các công cụ khác được gắn trước đó vào đầu robot. Nhóm phát triển cho biết Flex có thể được áp dụng cho nhiều ca phẫu thuật với các nhu cầu khác nhau. Thí dụ như có thể dùng nó để loại bỏ các khối u không mổ được theo cách truyền thống, từ đó giảm tỷ lệ sử dụng phương án xạ trị vốn để lại nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Thật ra thì đây không phải là lần đầu tiên người ta tạo nên một con robot hình dạng rắn để phẫu thuật. Trước đây hãng robot da Vinci đã tạo nên một hệ thống phẫu thuật tương tự, tuy nhiên giá của hệ thống này là từ 1,9 cho tới 2,3 triệu đô la, trong khi giá của Flex rẻ hơn với 0,98 triệu đô. Được biết thì cơ quan quản lý ở Mỹ, Châu Âu và Úc đã bật đèn xanh cho việc áp dụng robot Flex vào công tác chữa bệnh trên người. Theo giáo sư phẫu thuật David Goldenberg tại Viện ung thư Penn State thì robot Flex có thể khắc phục những khuyết điểm của robot phẫu thuật dạng thẳng trước đây, từ đó điều trị bệnh nhân với tỷ lệ xâm lấn ít hơn rất nhiều lần.
Theo Tinh Tế