Ghét nhau như chị em dâu

Ghét nhau như chị em dâu

Tỵ nhau từ chiếc bát, cái đũa

Tức mẹ chồng và chị dâu, chị Huyền rửa bát mà như muốn “lao” chúng xuống chậu. Cùng cảnh làm dâu mà chị thấy mình luôn bị ghét, còn chị dâu thì được yêu chiều. Như trưa này, vừa ăn xong, mẹ chồng đã “phán”: “Mấy đứa cháu lớn xuống phụ thím Huyền rửa bát. Huyền hướng dẫn các cháu làm phụ. Mẹ thấy chị Hương mày ốm mấy hôm nay rồi, lại từ sáng đến giờ đứng bếp nấu nướng chắc mệt lắm, nên giờ để nó nghỉ”.

Nghe mẹ chồng nói mà Huyền thấy tức cành hông. Huyền luôn thấy mẹ chồng thiên vị chị dâu trưởng như thế, trong lòng chị khó chịu lắm “bệnh gì mà bệnh chứ, ở gần ông bà được ông bà trong chừng cho nhà cửa, con cái rồi thì giờ cũng phải biết lo cho nhà ông bà nhiều hơn mình chứ. Từ sáng đến giờ mình cũng làm suốt còn gì”.

Ghét nhau như chị em dâu

Ảnh minh họa

Dọn “đống bát” kia thì khó gì, nhưng nghe mẹ chồng phân công thế thì Huyền cho là bà “coi thường con dâu thứ”, xem chị như trẻ con nên cố ý tỏ thái độ phân biệt. Đã thế, chồng Huyền còn cười nói: “Vợ chồng em bận bịu công việc nên hay về trễ, nhưng cũng may là có chị Hương nên hôm nay giỗ cha mới được đông đủ họ hàng nội ngoại đến dự vui vẻ như vầy. Nãy giờ em thấy chị Hương cũng mệt rồi, lại chưa thấy ăn gì. Giờ chị lên gác nghỉ đi, cứ để vợ em và mấy đứa cháu dọn dẹp”.

Thế là Huyền “quắc mắt” nhìn chồng, nhưng chợt thấy mẹ chồng nhìn sang nên chị đành nhanh nhảu: “Đó là việc của em mà. Em làm cái là xong thôi, chị lên nghỉ đi kẻo mẹ lo lắng”. Nghe thế, bà mẹ chồng liền dụng ngôn: “Không phải mẹ lo cho nó, mà mẹ lo cho nhà này. Nếu không may nó bệnh nằm liệt đó thì biết lấy ai thay làm hết mọi việc đâu”. Hiểu tính em dâu, chị Hương lựa lời với mẹ: “Cả ngày nay mẹ chắc cũng mệt rồi, để con đưa mẹ lên phòng nghỉ. Chuyện dưới này chị em con sắp xếp được, con có mệt gì đâu”.

Lúc mẹ chồng đã đi rồi, Huyền phân trần: “Em nói mẹ lo cho chị, là lo cho con cái chứ có ý gì mà mẹ cứ tỏ ra không hài lòng với em”. “Thím đừng giận mẹ. Bà cụ gần 80 tuổi rồi, chị em mình có ngoài 40 thì với bà mình vẫn là con nít thôi”.

Nghe chị dâu nói thế, Huyền chưa thôi: “Vì nhà mẹ chật chội, nên vợ chồng em mới phải tự bươn chải ra ngoài ở. Lúc mấy đứa con em còn nhỏ, em cũng có dám phiền gì đến mẹ đâu. Ở xa nên giỗ tết em làm sao mà về sớm được. Em lại phận dâu thứ, có những điều mẹ có bàn giao cho em đâu mà em biết…”. Không muốn làm lớn chuyện, chị Hương chỉ còn cách: “Thím chỉ cho các cháu dọn đống bát này giúp tôi nhé, tôi lên tầng thượng xếp lại bàn ghế, lau dọn trên đó”.

Đến so đo các ông chồng

Không chỉ tị nạnh chuyện dọn dẹp, bếp núc trong nhà chồng. Mỗi lần mua quà cho mẹ chồng, Huyền cũng dễ bực mình vì bà cụ hay nói: “Vợ chồng bây về thăm mẹ là được rồi. Có mua bánh kẹo gì thì mua cho mấy đứa con anh hai bây ở đây là được rồi. Mẹ già không thiếu gì đâu, cần gì, mẹ nói chị dâu bây mua cho khỏi tốn tiền các con”.

Thế là Huyền cau có với chồng: “Anh hai tài giỏi, kiếm được nhiều tiền nên chị Hương mua thứ gì chẳng tốt. Còn thân em, tiền không có nên mua gì cũng phải căn ke từng xu, nên thành dâu bất hiếu đó thấy không”. Không bênh được lý sai của vợ, chồng Huyền nạt lại: “Em nói nghe không được chút nào. Nhà mình có nghèo khó gì cho cam, hai hai với chị Hương cũng có phải đâu phô diễn, em cứ tự suy diễn thế nên tự em làm khổ em thôi”.

Những ngày lễ tết, mỗi khi thấy chị dâu cho con mình thứ gì, Huyền cũng “trả” bằng món quà có giá trị tương xứng. Sau đó, Huyền lại than thở với chồng: “Chị Hương lúc nào cũng tỏ ra ta đây nhiều tiền như mệnh phụ phu nhân. Em cũng chẳng thèm gì, cho con mình gì, em cũng cho lại, chị ấy được là nhờ chồng chứ tài cán gì mà làm phách…”.

Thỉnh thoảng, Huyền lại “thủ thỉ” với chồng: “Lạ ghê, thỉnh thoảng em hay thấy chị Hương đi qua nhà mình lúc giữa trưa, bác ấy về ngoại à? Mà sao phải về giữa trưa như thế, chắc lại dấm dúi cho nhà ngoại. Nhà bên chị ấy có ai làm được trò chống gì, thế mà giờ cũng trông khá giả ra lắm”. “Em đừng có mà ăn nói nói lung tung. Mẹ mình già, tối đến là phải có chị ấy bên cạnh. Nên chị ấy chỉ có thể về thăm cha mẹ chị ấy vào buổi trưa thôi. Em riết cứ như bà điên vì so đo tiền của”.

“Anh cứ làm như chị ấy tốt lắm. Hôm chị Bé hàng xóm bói với em chị ấy hay đi nói xấu mẹ và vợ chồng mình với hàng xóm lắm đó. Chị ấy kêu làm dâu khổ, rồi còn so sánh với em. Thế mà lúc nào nói chuyện với em cũng làm ra vẻ thanh cao bất bật lắm. Em nghi lắm, có khi chị ấy làm bộ kiểu khổ nhục kế để trông chờ vào cái di chúc của mẹ. Vợ anh thì anh không thương…”.

Vì những suy nghĩ đó, nên mỗi khi về nhà chồng, Huyền hay “bóng gió” chuyện gia tài, di chúc… Biết cô em dâu này có phần đanh đá, chua ngoa nên chị Hương cứ kệ không thèm đôi co chi cho sinh lớn chuyện. Do tính cách trái ngược nhau nên chị Hương không thể kết thân cùng Huyền, mà nếu nói ghét thì chị cũng không hẳn đã ghét Huyền. Chị chỉ không chịu được tính so đo nhỏ nhen của cô ấy nên vẫn luôn giữ khoảng cách xã giao nhất định với người chị em bạn dâu này. Thế nên hai chị em “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Không yêu thì cũng đừng “kỵ”

Vì là hai cá thể được sinh ra và giáo dưỡng ở hai môi trường hoàn toàn khác nhau, nên khi cùng là “phận đi làm dâu” giữa hai chị em dâu sẽ rất dễ bị cạnh tranh về vị trí, nghĩa vụ, tình cảm với gia đình chồng, vì vậy những hiểu lầm, xích mích, hờn ghen… thường xuyên xuất hiện là điều dễ hiểu.

Theo chuyên gia Nguyễn Bích Hạnh (Phòng tư vấn Hôn nhân Gia đình, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội): Để giải quyết mâu thuẫn thì chính mỗi cá nhân phải chủ động, chia sẻ với nhau. Cũng theo bà Hạnh, mang chồng hay gia đình chồng ra làm “bia đỡ” thì càng tăng thêm mâu thuẫn với các anh em gia đình chồng. Nhưng sự thật thì không phải ai cũng dễ nhẫn nhịn và nhất là giữa họ thường “mỗi người hiểu sự việc đi một nẻo” nên khó thông cảm với nhau. Vì thế để hạn chế chị em dâu dèm pha nhau thì nên nhớ các yếu tố:

– Tránh giáp mặt thường xuyên: Tránh va chạm là cách hạn chế những cơ hội để tranh luận, phê phán nhau. Thế nên nếu có điều kiện thì mỗi người một nhà, còn khi ở chung thì cần có ranh giới rõ ràng.

– Phân chia trách nhiệm, công việc rõ ràng: Những công việc chung ở nhà chồng, lễ nghĩa, trách nhiệm với bố mẹ cũng được “sòng phẳng” từ ban đầu dựa trên sự nhất trí của đôi bên.

– Thẳng thắn trao đổi: Khi đôi bên không bằng lòng về nhau thì nên có những trao đổi, không nên nhịn một lúc để bùng nổ về sau, hoặc cũng không nên nói qua nói lại bóng gió với chồng hay nhà chồng.

Nguồn: Theo skgd

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.