Dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, một nông dân ở Hà Nam nghiên cứu thành công viên gạch siêu nhẹ, có thể nổi lên trên mặt nước và không gây hại với môi trường.
Anh Trần Văn Lượng, sinh năm 1968, sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo thuộc xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Học xong cấp 3, anh vào nam sống bằng nghề lái công nông chở vật liệu thuê và làm bột bả ma-tit.
Đầu năm 2002, thấy người hàng xóm hay sang mua lẻ xi măng, tò mò hỏi thì được biết người này đang nghiên cứu chế tạo ra vật liệu xây dựng siêu nhẹ nhưng chưa thành công. Hiếu kỳ, anh tìm đến nhà hàng xóm, và tận mắt chứng kiến người này thả xuống nước mẩu vật liệu không chìm xuống nước mà nổi lên. “Không tin nên tôi lấy viên gạch khác dìm vật liệu xuống, một tuần sau nó vẫn nổi nhưng cường độ chịu lực chưa có, bóp là vỡ vụn”, anh Lượng kể lại.
Từ đó, anh Lượng nảy ra ý tưởng làm sao chế tạo ra vật liệu siêu nhẹ, thân thiện với môi trường. Năm 2005, anh quyết định cùng vợ con về quê mở công ty buôn bán vật liệu xây dựng để có thời gian nghiên cứu.
Anh Trần Văn Lượng mày mò chế tạo gạch siêu nhẹ từ xỉ than. (Ảnh: Văn Định)
Thực hiện ý tưởng trên, anh bắt đầu tìm tòi trên mạng, đọc sách báo viết về công nghệ chế tạo gạch của các nước trên thế giới, so sánh áp dụng cho nghiên cứu của mình.
Anh bỏ qua lời khuyên nhủ của gia đình và bạn bè khi họ cho rằng đó là điều không tưởng, thậm chí, để có tiền nghiên cứu, anh phải bán 2 chiếc ô tô tải, một lô đất được 800 triệu đồng mua đầu tư máy móc.
Nguyên liệu chế tạo gạch siêu nhẹ rất giản đơn, anh Lượng tận dụng những nguyên liệu đã bỏ đi như xỉ than, vỏ trấu, thân cây ngô, rơm, rạ kết hợp với xi măng, cát sau đó được trộn với tỷ lệ nhất định, mọi công đoạn được làm rất tỷ mỷ, chỉ cần sơ xuất là gạch ra lò rất dễ hỏng.
Yếu tố quan trọng khiến liên kết chặt chẽ của vật liệu này là phải có chất tạo bọt. Sau nhiều năm, anh đã tạo ra chất này làm từ da động vật, nhựa cây và một số chất tạo bọt khác để tạo ra một hợp chất dẻo đến lạ thường.
Khi có công thức làm ra gạch siêu nhẹ, anh Lượng tính chuyện tìm đến công ty nước ngoài để có thể sản xuất theo hệ thống máy móc. Song nếu làm như vậy, chi phí sản xuất sẽ lớn hơn, đồng nghĩa với việc giá bán cũng cao lên. Anh quyết định tự chế tạo ra máy móc để có thể sản xuất với số lượng lớn đồng thời giá vật liệu sẽ giảm đi đến được với những gia đình nghèo.
Anh cho biết: “Tôi bắt đầu mua mô-tơ rồi khung máy trộn bê tông thông thường để về chế tạo nhưng liên tục phải tháo ra tới cả chục lần vì nguyên nhân máy vận hành không đồng nhất với vật liệu”.
Sau nhiều tháng trắng đêm để nghiên cứu anh đã chế tạo ra cả một hệ thống máy nhào trộn, máy tạo bọt cho tới máy nghiền, sàng, máy đẩy vữa.
Đầu năm 2009, những viên gạch siêu nhẹ đầu tiên của anh đã ra đời, có thể nổi được trên mặt nước lại cách âm, cách nhiệt, chịu lực gấp nhiều lần so với những loại vật liệu xây dựng thông thường. Điều đặc biệt loại gạch này không hề được nung như các loại gạch khác nên thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm. Độ cứng của loại gạch này tốt hơn rất nhiều, độ chịu lực cao.
Viên gạch nổi trên mặt nước. (Ảnh: Văn Định)
Nếu như 1 khối bê tông thường nặng 2,7 tấn, còn một khối bê tông siêu nhẹ này chỉ có 3 tạ, không hề thấm nước lại rất nhanh khô sau 15 đến 25 giờ đồng hồ phù hợp với mọi công trình lớn nhỏ. Ngôi nhà 45m2 thì 4 người xây trong vòng 3 ngày là hoàn thiện trong khi nếu xây bằng gạch thông thường 4 người mất cả tháng mới hoàn thiện xong.
Những viên gạch siêu nhẹ đủ mọi kích cỡ phù hợp với chi phí xây dựng của người dân, anh bán ra ngoài với giá 950 nghìn đồng/m3 trong khi đó, sản phẩm cùng chất lượng nhập ngoại lên tới từ 1 triệu 300 nghìn lên đến 1 triệu 500 nghìn/m3.
Sáng chế của anh Lượng đã được Viện Vật liệu xây dựng, thuộc Bộ Xây dựng công nhận là vật liệu siêu nhẹ, có tác dụng chống thấm, chịu lửa tiêu chuẩn TCVN 317: 2005. Năm ngoái, sản phẩm của anh được Cục sở hữu trí tuệ công nhận. Sản phẩm gạch siêu nhẹ cốt xenlulo của doanh nghiệp anh Lượng đã có mặt trên thị trường khắp các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình và nhiều tỉnh thành khác.
Mỗi năm anh sản xuất hàng trăm nghìn viên gạch nhưng do vốn đầu tư còn hạn chế và diện tích mặt bằng nhà xưởng quá nhỏ (khoảng 1.800m2) nên mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của khách hàng.
Thời gian tới, anh Lượng cho biết, anh sẽ đi đến các nơi khác trong cả nước để lấy các mẫu phế liệu ở đó về nghiên cứu như lấy xỉ than của nhà máy nhiệt điện Quất Động ở Bắc Giang, các mẫu đất ở từng vùng miền, nghiên cứu để sử dụng nước lợ vào chế tạo vật liệu siêu nhẹ vì ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là nước lợ, nguyên liệu để sản xuất rất sẵn, bớt được cước phí vận chuyển thì giá thành rẻ, mọi người đều sử dụng và sản xuất gạch không qua nung bằng chính đất thừa khi đào móng nhà để vừa có thể sản xuất ra gạch và kết hợp xây luôn nhưng công việc đó vẫn đang được nghiên cứu.
Theo VNE