Hối lộ CSGT “rẻ hơn, đỡ mất công đi đóng phạt”?

Hối lộ CSGT

Làm sao để cảnh sát giao thông (CSGT) không nhận hối lộ – là ý kiến của đông đảo người dân. Nhiều ý kiến cho rằng phải thay đổi từ chính ý thức của người dân…

“Phải chi mọi người ra đường nhìn thấy cảnh sát giao thông (CSGT) là cảm thấy an toàn vì có người bảo vệ, có người nhắc nhở, hướng dẫn họ thực hiện pháp luật chứ không phải sợ bị “vòi vĩnh” thì hay biết mấy” – một số bạn đọc nêu ý kiến. 

Ảnh: internet

Thay đổi từ chính ý thức của người dân

“Nếu người dân có ý thức tôn trọng pháp luật hơn, tự giác đóng phạt đúng luật pháp thì sẽ không có chuyện CSGT nhận hối lộ” – bạn đọc Hiền Nguyễn khẳng định.

Một bạn đọc cho rằng người vi phạm giao thông ngại nộp phạt đúng luật vì “hối lộ rẻ hơn, đỡ mất công đi đóng phạt”. Bạn đọc này cũng đặt ra câu hỏi: “Nếu đã vi phạm luật giao thông thì tại sao lại ngại nộp phạt cho Nhà nước?”.

Phải chăng nếu người dân tập được thói quen tự chịu trách nhiệm khi mình làm sai thì khi đó sẽ chẳng ai ăn hối lộ được cả?

Theo nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Thụ – nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải Hà Nội – vấn đề nghiêm trọng là nhiều người đã xem việc đưa hối lộ cho CSGT là một điều hết sức tự nhiên và bình thường.  

“Việc CSGT và người vi phạm “chia sẻ” phần tiền phải nộp vào ngân sách Nhà nước là rất dễ xảy ra vì hai bên cùng có lợi và cả hai đều muốn thế. Để giảm thiểu việc này cần giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người vi phạm và người xử phạt, do vậy cần tăng cường việc “phạt nguội”, dùng camera” – bạn đọc Minh Nguyễn đề xuất.

Thêm vào đó, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, ý thức chấp hành luật giao thông của người Việt Nam còn rất kém, nhiều người thấy CSGT mới chạy xe đúng luật, cho nên không thể không có CSGT. 

“Người dân ai cũng chấp hành luật giao thông thì áp lực đối với CSGT sẽ ít đi, quan hệ giữa người dân và CSGT cũng sẽ được cải thiện” – ông Nguyễn Hồng Thái nói.

Tối giản hóa thủ tục xử phạt

Nhiều người cho rằng sở dĩ họ chấp nhận “thỏa thuận” với CSGT chẳng qua là vì thủ tục đóng phạt còn rườm rà, mất thời gian và công sức.

PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng nên tìm cách để người dân được đóng phạt dễ dàng hơn, có thể bằng nhiều hình thức, tại nhiều địa điểm như ngân hàng, bưu điện hay kho bạc như kiểu đóng tiền điện, nước, điện thoại.

Bạn đọc Vũ Hoàng Trọng đề xuất cho người vi phạm ký biên bản có tài khoản Kho bạc Nhà nước.

Với cách làm này, để người vi phạm chuyển khoản trong vòng 30 ngày kể từ ngày vi phạm và không quá 15 ngày sau khi nhận được giấy báo mức phạt phải đóng từ cơ quan xử lý vi phạm giao thông theo khung hình phạt qui định sẵn theo luật và trả giấy tờ cho người vi phạm tại chỗ.

Việc gửi giấy báo phạt vi phạm giao thông có thể được thực hiện thông qua chuyển phát bảo đảm của Tổng công ty Bưu chính viễn thông với giá giao theo hợp đồng số lượng lớn (phí thấp) được ký hợp đồng giữa Bộ (hay sở) Công an và Tổng công ty Bưu chính viễn thông và được ghi rõ ràng trong phiếu phạt phần tiền phạt và phí cộng thành tiền phải nộp vào kho bạc Nhà nước.

Ban hành qui định nếu sau 15 ngày kể từ ngày ký nhận giấy của Bưu chính viễn thông mà không nộp phạt sẽ tính phạt tăng 50%. Nếu sau 3 lần gửi giấy báo mà không đóng thì sẽ tiến hành kê biên, thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe, …

Một bạn đọc còn đề xuất hình thức thu phạt bằng cách gửi giấy phạt về nhà bằng đường bưu điện hoặc cử một chiến sỹ CSGT chuyên đi đưa giấy phạt tận nhà và thu giấy tờ tại nhà luôn.

Tuy vậy theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, cái khó của chúng ta là vấn đề về ý thức, điều kiện sống và kể cả trình độ của người dân. Khi điều kiện sống chưa cho phép, nhiều người dân VN không có thói quen thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng đời sống của nhiều người thuộc nhiều tầng lớp, nhiều vùng miền còn chênh lệch. Vì vậy, chúng ta cần nhiều giải pháp đồng bộ, một giải pháp là không thể tối ưu cho mọi tình huống. Nên có nhiều cách thu tiền phạt”.

“Rõ ràng chúng ta có nhiều cách thức xử phạt nhưng cách thức nào để hạn chế sự tham gia trực tiếp của con người thì mới là tối ưu” – ông Nguyễn Hồng Thái đúc kết. 

Đồ họa: V.Cường

CSGT vi phạm phải xử lý thật nghiêm

Chị Nguyễn Thị Bích Trâm ở Q.9, TP.HCM cho rằng hiện tượng tiêu cực của một số CSGT đã gây nhiều bức xúc.

“Cần những biện pháp khắt khe hơn đối với những CSGT nhận hối lộ, nghiêm trọng hơn là những người gợi ý để người vi phạm đưa hối lộ. Có thể phát động phong trào trên diện rộng, nên thiết lập một đường dây nóng để người dân tố cáo. Cần tổ chức bắt quả tang và xử lý thật nặng thì hiện tượng này mới chấm dứt được” – chị Bích Trâm nói.

Nhiều bạn đọc đồng tình với đề xuất gắn camera lên mũ, ngực áo CSGT và thiết lập đường dây nóng để người dân tố cáo những hành vi tiêu cực.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, phó trưởng khoa vận tải – kinh tế, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, phương pháp gắn camera trên mũ CSGT không những giúp phát hiện tiêu cực mà còn là bằng chứng khi xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, tránh việc đôi co.

Bên cạnh đó, để tránh tiêu cực còn cần tăng cường khâu kiếm tra giám sát hoạt động xử phạt của CSGT.

Đồng thời với những cách thức trên thì khi phát hiện CSGT nhận hối lộ cũng cần phải xử lý thật nghiêm.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, khoa kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM, CSGT nhận hối lộ phải bị xử lý bằng những hình thức mang tính răn đe như đuổi khỏi ngành hoặc truy tố trước pháp luật thì những người có ý định tiêu cực chắc chắn sẽ e ngại. Người dân cũng sẽ tin tưởng hơn và đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Song song với đó còn là vấn đề giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ và đạo đức cho đội ngũ CSGT. Bởi người không chuẩn thì cho dù có gắn camera theo dõi, họ vẫn có thể tìm cách nhận hối lộ được, rất khó để có thể theo dõi hết.

Nguồn: Theo Tuổi Trẻ

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.