Không rõ ràng sẽ gây hiểu nhầm
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Phạm Công Út (Giám đốc công ty luật Phạm Nghiêm) cho biết, theo khoản 5 điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000 quy định: “Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Như vậy hôn nhân là mối quan hệ được xác lập giữa một nam và một nữ khi đáp ứng đủ những điều kiện khác của Luật HNGĐ như điều kiện về độ tuổi, sự tự nguyện giữa các bên …Do đó, pháp luật hiện hành không cho phép, không công nhận, không bảo vệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo luật sư Út, mặc dù không được pháp luật quy định nhưng trong những năm trở lại đây, hôn nhân đồng tính ngày càng phổ biến. Đây được coi là một vấn đề phát sinh của xã hội mà các nhà làm luật trước đây chưa dự liệu tới. Tại Quốc hội khóa XIII, vấn đề này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi luật HNGĐ để bàn luận. Theo dự thảo luật sửa đổi thì pháp luật không cấm hôn nhân đồng tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Luật sư Phạm Công Út
Luật sư Út cho rằng, vấn đề cần bàn đến ở đây đó là: tại sao lại không chấp nhận quan hệ đồng tính? Nguyên nhân dẫn tới quan hệ đồng tính là gì? Là nguyên nhân sinh học không ai mong muốn hay là chạy theo một trào lưu suy thoái đạo đức của giới trẻ? Đó là vấn đề khó khăn mà chưa ai có thể xác định được. Khoa học tiên tiến và hiện đại nhưng cũng không thể xác định một người là đồng tính nam hay đồng tính nữ? Chỉ có chính bản thân người đó mới biết mình có xu hướng tính dục nào. Thêm nữa, với văn hóa Phương Đông đã quá ăn sâu vào tiềm thức con người Việt Nam, từ xưa đến nay chỉ có quan hệ giữa nam và nữ và chưa thừa nhận quan hệ đồng tính.
Tuy nhiên, nếu cấm họ thì sẽ đi ngược lại xu hướng trên thế giới và xét về quyền con người, họ có quyền tự do trong các mối quan hệ. Nếu Việt Nam chính thức phản đối sẽ đi ngược lại với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về quyền con người. Đây cũng chính là vấn đề mà các nhà làm luật phải cân nhắc trước khi thừa nhận hôn nhân đồng tính.
Nhìn từ phương diện pháp lý, luật sư Út thấy rằng, việc cho phép hôn nhân đồng tính có thể sẽ ảnh hưởng phần nào đến việc duy trì nòi giống, mất cân bằng về giới, và những hệ quả về hệ thống pháp luật mới cho người đồng giới về các vấn đề nhờ mang thai hộ, nuôi con nuôi, tranh chấp tài sản sau ly hôn,… Còn có quá nhiều khoảng trống để có quy định thấu đáo về vấn đề hôn nhân đồng tính. Vì vậy, dự thảo luật chỉ mới bỏ cấm mà chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính.
Tuy nhiên, việc không quy định cấm nhưng cũng quy định không thừa nhận gây sự hiểu nhầm nhất định tới dư luận. Nhiều người cho rằng quy định như vậy là nửa vời. Nếu vẫn theo định hướng hiện nay, để rõ ràng hơn, ngay sau câu “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính” nên bổ sung thêm câu “Chỉ thừa nhận quan hệ sống chung không có đăng ký”.
Khung pháp lý chưa đủ để cho phép hôn nhân đồng tính
Cũng chia sẻ về vấn đề này, luật sư Quang Thái (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, có khá nhiều vấn đề rắc rối cần được tháo gỡ nếu cho phép hôn nhân đồng tính. Ví dụ, như khi ly hôn, về nguyên tắc sẽ giao con dưới ba tuổi cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, nếu không có thỏa thuận khác. Điều này sẽ không thể thực hiện đối với những việc ly hôn của các cặp đồng tính, vì xác định thế nào để biết ai là người mẹ nếu cả hai đương sự đều cùng nam hoặc cùng nữ.
Mặt khác, tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất mà ở đó người chồng có thể là trụ cột kinh tế của gia đình, bù lại, người vợ hạn chế việc thu nhập do phải mang thai, phải sinh con, chăm sóc con… Nhưng với những cặp hôn nhân đồng tính thì có được xem là tài sản chung hợp nhất không lại là vấn đề nhức nhối cho những nhà làm luật.
Những cặp đồng tính vẫn sống chung dù không được thừa nhận. Ảnh: Maika
Nhưng khi pháp luật vẫn không thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng tính sẽ là lý do để một bộ phận người dân thấy họ hoặc thân nhân của họ không được tôn trọng về quyền con người. Từ đó những người đồng tính sẽ có tâm lý mặc cảm và sống theo nhu cầu tình dục của họ, dù rằng việc ấy không thuộc điều cấm của pháp luật.
Kết hợp dân sự là phương án hợp lý
Phát biểu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Thông (Văn phòng luật Nguyễn Lê) cho biết, một số ít quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng đã thừa nhận hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, việc công nhận hôn nhân hợp pháp cho những người cùng giới tính ở Việt Nam cần được cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện.
Luật sư Đức cho rằng, không nên công nhận quan hệ hôn nhân đồng tính vào thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, việc quan hệ đồng tính không phù hợp với quan niệm và đạo đức của người Á Đông. Ngay cả một số nước phát triển hơn Việt Nam cũng khá dè dặt với vấn đề này. Vì chúng ta chưa đủ khung pháp lý để giải quyết được những vấn đề phát sinh mà hôn nhân đồng tính mang lại. Chúng ta cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cũng như đảm bảo các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội để có thể tiến đến việc thừa nhận về hôn nhân đồng tính trong tương lai.
Tuy nhiên, nhu cầu những người đồng tính tìm đến và sống chung với nhau cũng cần được nhìn nhận và được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật dưới luật. Để tránh cho người đồng tính bị kỳ thị khi họ sống chung với nhau và tạo cho xã hội dần dần có sự thay đổi suy nghĩ về hôn nhân.
Theo ý kiến cá nhân, luật sư Thông đề xuất, chúng ta có thể học hỏi một số nước như Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha về quy định hôn nhân đồng tính như một sự “kết hợp dân sự” (Civil Union) nghĩa là bắt buộc người đồng tính khi sống chung với nhau phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Việc kết hợp dân sự có thể theo hai hướng. Thứ nhất, sẽ cho các bên thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ hậu quả phát sinh tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên. Hai là, pháp luật phải xác định cho họ hậu quả về mặt nhân thân và tài sản giữa họ, cũng như những hệ quả khác do việc kết hợp dân sự đó mang lại.
Luật sư cũng cho biết mô hình này sẽ không phá vỡ kết cấu của pháp luật Việt Nam, hơn nữa lại có thể bảo vệ được người đồng tính bằng hành lang pháp lý.
Sự khác biệt giữa hôn nhân và kết hợp dân sự Hôn nhân là hình thức sống chung có đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, được Nhà nước công nhận, được bảo hộ đầy đủ về quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Kết hợp dân sự cũng là hình thức chung sống có đăng ký nhưng lại không được bảo hộ đầy đủ về tất cả quyền và nghĩa vụ như hôn nhân. Quyền bị thiếu tùy thuộc vào từng quốc gia nhưng thường là quyền nhập quốc tịch và quyền nhận con nuôi. |
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.