Nướu của bạn bỗng nhiên yếu đi và trở nên hay chảy máu. Có thể bạn bị stress đấy. Việc nổi những mẩn đỏ trên da cũng có thể là biểu hiện của tình trạng này.
Stress không nhất thiết phải là căng thẳng hay trầm cảm, cũng không nhất thiết phải là một ngày mệt lử ở công ty hay một trận cãi cọ với bạn trai. Có những dấu hiệu của cơ thể thông báo rằng bạn đang stress, thậm chí stress quá mức mà bạn không hề biết.
-
1
Lợi (nướu) đau, chảy máu
Sự căng thẳng làm hệ miễn dịch của bạn yếu đi, khiến vi khuẩn trong miệng khoẻ lên, dễ gây viêm lợi.
Thấy lợi yếu và chảy máu không phải là lúc bạn giảm bớt sự nhiệt tình cho việc đánh răng đâu. Để bảo vệ răng lợi tốt hơn nữa, bạn nên kết hợp đánh răng và nước súc miệng kháng khuẩn để giảm lượng vi khuẩn trong miệng.
Còn để trị “căn nguyên” hệ miễn dịch yếu, bạn hãy ngủ nhiều hơn, ăn uống lành mạnh, đủ chất, đủ vitamin. Nếu bạn bị stress kéo dài và lợi chảy máu thường xuyên, hãy tới gặp nha sĩ ngay nhé.
-
2
Sụt giảm trí nhớ
Những hoóc môn được sản sinh ra do stress nặng (như chia tay, bị ngã xe, thi trượt…) có thể làm giảm trí nhớ ngắn hạn của bạn. Những tác động này thường là nhất thời và dần dần sẽ hết. Nhưng stress kéo dài có thể gây ra sự giảm trí nhớ tương tự nhưng lâu dài hơn, vì nó thay đổi kết cấu các tế bào thần kinh và sự kết nối của chúng với não.
Những thay đổi này thường lắng đi khi bạn được thư giãn hơn, nhưng vẫn có thể gây ra những biểu hiện suy sụp trí nhớ như khó nhớ tên mọi người, không nhớ được đường đi…
Giải pháp cho bạn: Hãy sử dụng những cuốn lịch, sổ tay… và để chúng ở những chỗ dễ thấy nhất. Những miếng giấy hay sổ nhắc việc pháp huy hiệu quả tối đa khi chúng có mặt vào đúng lúc mà bạn cần hành động. Ví dụ, để đảm bảo bạn nhớ gọi một cuộc điện thoại quan trọng, hãy đính một miếng giấy lên chính chiếc điện thoại là ổn nhất.
-
3
Kinh nguyệt lộn xộn
Các bạn nữ bị stress thường phải chịu những cơn đau bụng và lưng gấp 2 lần trong kỳ kinh nguyệt, thậm chí còn bị nhiều mụn hơn nữa.
Giải pháp cho bạn: Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc liệu bạn có cần dùng thuốc giảm đau không, hoặc nên tập bài thể dục nhẹ nhàng như thế nào để thư giãn các cơ và đẩy lùi các cơn đau.
-
4
Những giấc mơ kỳ quái
Khi đầu óc bạn bị quá tải bởi những lo lắng, căng thẳng và không biết xử lý thế nào, những giấc mơ kỳ quái, xấu xí chính là cách mà bộ não “tìm cách vượt qua” những trải nghiệm stress.
Giải pháp cho bạn: Hãy nghĩ đến những giấc mơ đó như một liệu pháp tâm lý “miễn phí”, có khả năng là một cách để bạn biết mình đang căng thẳng vì cái gì, hoặc có gợi ý nào để giải quyết.
Hãy tập trung nghĩ đến những gì bạn cảm thấy trong giấc mơ. Nếu bạn thấy sợ hoặc xấu hổ, hãy tự hỏi tại sao. Rồi tự hỏi mình xem điều gì khiến mình cảm thấy tương tự trong cuộc sống thực.
-
5
Phát ban, nổi mẩn đỏ
Ở người trưởng thành, stress là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của việc nổi mẩn đỏ, ngứa phát ban. Sự lo lắng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, có thể dẫn tới việc tạo ra hợp chất histamine, gây mẩn đỏ. Thật không may là bạn chẳng phân biệt được nguyên nhân mẩn đỏ là dị ứng với kháng nguyên hay là stress.
Giải pháp cho bạn: Hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay để biết bạn nên uống thuốc chống dị ứng hay dùng một liệu pháp thư giãn nào đó. Cũng có thể bạn cần bôi kem chống ngứa và làm da bớt nóng bừng lên. Tắm nước ấm với sữa dưỡng da thật dịu cũng có thể làm bạn thấy dễ chịu hơn.
-
6
Đau hàm
Rất nhiều người dù thức hay ngủ cũng có xu hướng vô tình nghiến các cơ hàm hoặc nghiến răng khi bị căng thẳng.
Giải pháp cho bạn: Hãy để ý đến hàm răng của mình, tất nhiên rồi. Nên luôn có một khoảng trống nhỏ giữa hàm trên và dưới (trừ khi nhai). Để thư giãn cho cơ hàm, hãy từ từ mở to miệng, cho đến khi bạn cảm thấy căng các cơ hàm nhưng không hề đau. Hít thở sâu, và khi thở ra, bạn hãy để hàm được “nhàn rỗi” tự ngậm lại.
-
7
Mệt rã rời
Sự căng thẳng, mệt mỏi về thể chất hay tinh thần, cảm xúc đều tiêu tốn năng lượng của bạn. Khi stress, hệ miễn dịch của bạn phản ứng theo cùng cách mà nó chiến đấu với những sự nhiễm trùng.
Điều này có thể làm bạn thấy cơ thể rã rời, có thể còn sốt. Sự lo lắng, căng thẳng cũng có thể làm bạn mất ngủ, dẫn đến mệt mỏi. Khi ngủ, bạn lại dễ bị tỉnh giữa chừng và khó ngủ lại nữa chứ!
Giải pháp cho bạn: Giảm sự căng thẳng thần kinh bằng cách nói những lo lắng, bực dọc của mình. Có thể nói chuyện với một người đáng tin cậy trong khoảng 20 phút (hoặc hơn); hoặc viết ra những cảm xúc và suy nghĩ của mình.