Trĩ là bệnh lý của vùng hậu môn trực tràng, rất phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi. Hơn 50% số người mắc bệnh có độ tuổi từ 30 trở lên. Vì xấu hổ, rất ít người chịu đi khám, chỉ đến khi xuất hiện biến chứng gây đau đớn, khó chịu cho sinh hoạt thì mới đến bệnh viện. Vì thế, thời gian điều trị phải kéo dài.
Ngày nay, người ta hiểu rõ hơn bản chất của bệnh trĩ nhờ những công trình nghiên cứu về sự phân bố mạch máu của vùng hậu môn trực tràng. Ống hậu môn là nơi có nhiều mạch máu tạo thành các búi trĩ nằm ở dưới lớp niêm mạc. Các búi này có chức năng của một cái nệm, giữ vai trò khép kín hậu môn. Có thể hiểu, trĩ là trạng thái giãn tĩnh mạch quá mức vùng hậu môn.
Nguồn gốc của bệnh trĩ
Hiện nay chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng có một vài yếu tố được coi như nguồn gốc phát sinh bệnh trĩ.
– Trĩ hay gặp ở những người có nghề nghiệp phải đứng lâu, ngồi nhiều (thợ may, nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng…), bởi tư thế làm máu huyết ít lưu thông, dễ bị ứ chệ.
– Một số bệnh gây rối loạn đại tiện như lỵ, táo bón (bệnh nhân phải dặn nhiều mỗi khi đi đại tiện) gây nên bệnh trĩ.
– Các bệnh trong ổ bụng gây tăng áp lực như u bướu, viêm…làm cản trở lưu thông các mạch máu và phát sinh trĩ như các khối u vùng hậu môn trực tràng, u xơ tử cung, u nang buồng trứng lớn….
– Trĩ hay gặp ở phụ nữ có thai, sinh đẻ….
– Yếu tố gia đình, di truyền, ít hoạt động, ăn ít rau, uống ít nước…cũng là một nguyên nhân gây bệnh trĩ.
Triệu chứng của bệnh trĩ
Nhiều người bị bệnh trĩ mà không thấy có dấu hiệu gì lạ nên không để ý, đến khi có biến chứng mới biết. Các triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ là:
– Chảy máu hậu môn, đại tiện ra máu tươi: Đó là triệu chứng thường gặp nhất và sớm nhất của bệnh trĩ. Lúc đầu máu chảy ít, kín đáo nên người bệnh không để ý, nếu có sử dụng giấy vệ sinh thì sẽ thấy có một ít máu tươi dính ở trên giấy, hoặc nhìn thấy có một ít máu tươi dính trên phân, nhất là khi táo bón vì phân cứng đi qua làm rách búi trĩ. Về sau máu ra nhiều hơn, thành giọt theo sau cục phân. Muộn hơn thì cứ ngồi xổm đại tiện là máu chảy ra, kèm theo bệnh nhân có táo bón. Đến giai đoạn rất muộn thì khi đi đại tiện ra phân mềm cũng vẫn chảy máu.
– Đau và ngứa, có cảm giác khó chịu ở hậu môn: Nếu mới bị thì có thể không đau hoặc đau ít. Đau càng nhiều khi có biến chứng sưng, viêm nhiễm, tắc mạch ở búi trĩ và sa ra ngoài hoặc có nứt hậu môn. Rỉ nước và ngứa vùng hậu môn do viêm ống hậu môn.
– Sưng nề vùng hậu môn: khi có đợt cấp hoặc khi trĩ sa ra ngoài nếu là trĩ nội hoặc trĩ ngoại, có thể búi trĩ sưng khá to và ta có thể sờ thấy dễ dàng.
Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh nhân bị trĩ, có bệnh nhân trong giai đoạn đầu chỉ có triệu chứng đại tiện máu tươi đơn thuần.
Muốn xác định chắc chắn bệnh trĩ, ngoài việc nhìn, sờ nếu thấy búi trĩ sa ra ngoài, cần phải thăm khám trực tràng hậu môn bằng cách thăm trực tràng và soi ống hậu môn. Qua soi sẽ xác định được độ tổn thương của búi trĩ, số lượng búi trĩ, kích thước và vị trí các búi trĩ.
Biến chứng của bệnh trĩ
Biến chứng của trĩ rất đau đớn và nguy hiểm. Có bốn dạng biến chứng hay gặp:
– Chảy máu: Trĩ là do giãn mạch máu nên rất dễ rách, dễ vỡ gây chảy máu nhiều, nếu để kéo dài sẽ rất nguy hiểm, gây thiếu máu trầm trọng, cần mổ cầm máu ngay. Điều lưu ý là ngoài bệnh trĩ gây chảy máu tươi vùng hâu môn, còn có nhiều bệnh khác gây chảy máu vùng hậu môn như pôlip, ung thư vùng trực tràng và và đại tràng, viêm đại trực tràng chảy máu… Do đó cần chẩn đoán đúng để có cách xử lý thích hợp.
– Sa trĩ: Trĩ lòi ra ngoài thành búi hoặc thành vòng gây đau đớn klhó chịu. Lúc đầu chỉ sa ra ngoài khi đại tiện và nhét lại được, sau đó thì sa luôn nằm hẳn ở hậu môn và không đẩy vào được. Trĩ sa như thế sẽ sưng vù, chảy máu, bầm tím, nghẹt rất khó chịu. Trường hợp này cũng cần mổ sớm.
– Trĩ bị tắc nghẽn: Do cục máu đông tụ lại, làm búi trĩ thình lình sưng to rất đau, căng bóng. Lúc này cần mổ lấy cục máu ngay.
– Trĩ bị viêm nhiễm: Làm nóng rát ngứa ngáy khó chịu ở hậu môn, khám thấy búi trĩ phù nề sưng to.
Cách phòng bệnh
Để phòng bệnh trĩ, cần hoạt động nhiều, không nên ngồi lâu. Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều rau hoa quả có nhiều chất xơ, uống nhiều nước, bớt các chất kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá, tiêu ớt…cũng cần tránh gắng sức quá nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng. Cố gắng tạo thói quen đi đại tiện ngày một lần vào một giờ nhất định, tránh rặn mạnh rặn lâu khi đại tiện.
Điều trị
Cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng và sử dụng thuốc phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc bừa bãi gây nhiều tai biến nhiễm trùng, áp xe, chảy máu… Khi trĩ đã có biến chứng thì phải điều trị bằng ngoại khoa mới bảo đảm có kết quả.
Tui là 1 thần dân trong thế giới IT cũng như quý vị, nhưng tại sao tôi lưu tâm tới vấn đề này, đơn giản, chính tôi đang là nô lệ của căn bệnh này, đúng là rất khổ! Hy vọng bài này sẽ có ích cho những ai đọc nó, để đừng rước họa vào thân như tôi! Một sai lầm mà không thể nghĩ tới, không thể ngờ tới! Nhận thức ra và hối tiếc thì đã muộn!