Hình như mỗi một chúng ta luôn kêu ca khốn khổ khi phải ở gần những “thánh soi” công sở. Họ không tha một ai, không từ một giọng điệu gì để lên lớp, chê bai người khác. Không để yên cho bất cứ một thứ gì lọt vào tầm mắt họ. Họ có thể vừa ngồi với người này để kể xấu người khác, lại sẵn sàng túm áo một người khác nữa để kể xấu cái người vừa “chụm đầu” kể lể với mình. Sống với họ vừa mệt vừa buồn lại vừa ấm ức. Người khác muốn đàng hoàng, yên ổn cũng không xong bởi vì không hùa theo họ thì họ ghét mà hùa theo rồi thì cũng trở thành cái phiên bản hai của họ: Nhỏ nhen, tầm thường, suốt ngày đố kị!
Nhưng, có bao giờ ta nhận ra rằng, chính ta nhiều khi vô tình cũng đang tiếp tay cho cái phong trào soi mói, thêu dệt, chê bai phán xét ấy về nhau không? Mỗi một người trong số chúng ta, đều luôn cho rằng mình là nạn nhân, mình bị điều này điều nọ, người này người nọ làm cho buộc phải nói ra những lời cay độc, buộc phải hùa theo những chuyện tầm phào. Ta coi ta như một người lương thiện bị những thứ xung quanh làm cho vấy bẩn. Ta không nhận ra là mình có lỗi gì. Ngay cả tôi, khi nói những lời này, tôi cũng nhận ra mình ở trong cái mô hình nhạt nhẽo ngớ ngẩn và ngây ngô ấy!
Đơn cử như chuyện, chiều qua tôi vừa nghe chị Xuân ngồi với chị Hà, nói xấu chị Liên. Sáng nay đến phòng, tôi lại nghe chị Liên túm chị Hà để chê bai chị Xuân. Chị Hà chiều qua vừa chửi chị Liên xong thì hôm nay đã lên giọng chửi chị Xuân được rồi. Tôi biết, trong cái vòng luẩn quẩn ấy, ai cũng cho rằng, hùa theo cái người đang bức xúc kia một chút cho mình được yên, cho mình đỡ phải nói quá thật mà trở thành đề tài công kích của những người đang cần mình giả bộ làm “đồng minh”.
Nói đến đây lại có người vặn vẹo, hỏi tôi xem tôi có bao giờ nói xấu ai không? Tôi sẽ thản nhiên trả lời rằng: “Có!”. Có lúc không cố tình, nhưng tôi bị cuốn vào “cuộc vui” nói xấu nhau của những người ngồi sẵn. Có lúc thì lại do bức xúc, không kiềm chế được, “ngứa mồm” nên tôi cũng “xả” một mạch cho những người xung quanh “thưởng thức” chủ đề về ai đó, gọi là cho vui, “kiếm chuyện làm quà” với nhau… Có lúc tôi nghe thấy nhiều người rỉ tai, nói với tôi là chị X chị Y kể xấu tôi nhiều lắm. Có lúc tôi đi qua nghe rõ người ta bàn tán về mình… Tôi bảo “kệ thôi”, nhưng trong lòng ấm ức và lại tìm “đồng minh” để xả đi những bực dọc trong mình.
Cuối cùng thì công sở như một cái vòng luẩn quẩn, chúng ta chê bai, kể tội lẫn nhau rồi chúng ta lại ra vẻ mình là đồng minh của họ khi cần! Cuối cùng thì ta lên án người này người kia giả dối mà ta soi lại chính mình thấy mình y như họ. Cuối cùng, chúng ta là nạn nhân lẫn nhau và là nạn nhân của chính bản thân mình. Không sai!
Phải chăng là vì chúng ta đều không đủ tự tin? Ta sợ người khác chê bai, và ra sức chê bai người khác để khỏa lấp cảm giác đớn đau khi nhìn lại chính mình? Hay là vì ta không đủ bình tâm, vì ta chật chội trong không gian chính mình nên ta chỉ có những đớn đau hẹp hòi gửi cho người khác? Chắc cũng vì ta có trong ta những hình hài méo mó về nhân sinh do quá nhiều lực bên ngoài tác động, ta lại mất đi những khoảng lặng tinh thần nên không thể dung hòa, bồi đắp và chuyển hóa?
Ta, có thể là chính là đang oán giận chính mình. Đang mâu thuẫn với mình. Đang bất đồng quan điểm với mình mà không có lối thoát nào khác nên đã trút lên người khác trong cơn bế tắc. Cộng thêm thói quen quá tự tôn với ưu điểm của mình mà hạ thấp tất cả những cố gắng từ người khác. Luôn cho rằng cái sai của mình thì rất đáng thương nhưng nhất định phải “vạch mặt đặt tên” những điều lầm lỗi từ môi trường xung quanh. Trong cơn bốc đồng, như một nỗi hành tội từ số phận, ta bị mất tự chủ, bị rơi vào vô thức, rồi ta chọn lấy bất kỳ ai trong những người xung quanh để thỏa mãn cơn nông cạn và vô bổ! Mà không biết ta đang gieo trồng những cơn đau đớn trong lòng những người sống quanh mình!
“Công sở phức tạp lắm”, là lời kết luận từ bao nhiêu những người ở “cái xứ sở” ấy về. Tôi thấy cũng phải thôi, cơm áo gạo tiền đã bao giờ giản đơn. Nhưng thôi, điều gì ta làm được thì làm, không làm được thì ít nhất cũng nên góp vào một lời im lặng, chứ đừng khuấy động những thứ vốn đã ồn ào lên.
Hương Ngân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.