Làm ở một công ty tư nhân với trình độ chuyên môn khá và quan hệ đồng nghiệp tốt, các sếp cũng rất quý và tạo điều kiện cho tôi. Mọi chuyện cũng chẳng có gì để phàn nàn nếu sếp không cố tình quên đi món tiền vay của tôi.
Sếp của tôi gần 40 tuổi, tính tình tương đối thoải mái, sởi lởi và rất hòa đồng với nhân viên. Tuy ít tuổi hơn chị nhưng từ khi chuyển về phòng làm việc dưới sự quản lý của sếp, tôi cũng gần gũi và thường xuyên đi cùng chị từ mua sắm, đi chơi thậm chí mọi công việc của gia đình chị cần tôi giúp tôi luôn có mặt.
Bình thường, sếp vẫn rất ưu ái cho tôi từ những việc nhỏ nhất. Khi người khác làm sai, sếp có thể quát mắng hoặc yêu cầu nhân sự kiểm điểm, trừ lương nhưng với tôi, mọi lỗi lớn nhỏ đều được bỏ qua một cách dễ dàng. Chỉ với vài câu bao biện sơ sài, sếp sẵn sàng đứng ra che chở cho tôi trước búa rìu dư luận. Dù không ít ý kiến bàn tán nhưng khi sếp quyết thì cả phòng cũng không ai chống được.
Cách đây 1 năm, phó phòng nghỉ việc, cái vị trí ấy chỉ khuyết một vài ngày là mọi người đã náo nức hẳn lên. Cả công ty to đùng, phòng Marketing của tôi cũng đến gần chục người chứ chẳng ít. Người trẻ có, người lớn tuổi, thâm niên đủ cả. Mọi người đoán già đoán non, sếp sẽ đề bạt một trong số những người đã gắn bó với công ty lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nhất với ban Giám đốc để giữ vị trí phó phòng. Còn tôi thì hầu như chẳng ai nghĩ tới, bởi đơn giản, tôi cũng mới vào công ty được 2 năm, nếu so với những bậc “cao nhân” ở đây thì còn kém lắm. Nhưng tôi cũng gạn gạn gợi ý với sếp, tôi muốn vị trí đó liệu có được không nhỉ.
Một tuần sau, tôi có quyết định bổ nhiệm phó phòng Marketing. Cái tin này không những mọi người sock mà chính bản thân tôi rất ngỡ ngàng. Tôi lại càng tin tưởng và sùng bái sếp hơn. Không những thế, chị còn bảo vệ, phân tích điểm mạnh, ca ngợi năng lực của tôi trước cả phòng để mọi người không dị nghị vị trí của tôi.
Thế là tôi yên vị ở chức phó phòng marketing khi tuổi đời mới 28. Tôi rất vui và tự hào đồng thời luôn tâm niệm và biết ơn sếp. Tình cảm chị em của chúng tôi khăng khít hơn. Sếp không còn giữ ý, khách sáo gì với tôi và xem tôi như người nhà. Chị rất hay vay tiền tôi, lúc thì vài triệu, lúc thì dăm bảy trăm đi có việc. Những lần dăm trăm đến vài triệu ấy sếp thường vay trong tình huống khẩn cấp như quên chìa khóa phòng, vội đi không cầm tiền… Và lạ lùng là các khoản vay này sếp không bao giờ nhớ để trả. Những khoản vay lặt vặt này tính ra cũng gần chục triệu đồng. Cách đây 3 tháng khi chị vay tôi 20 triệu để đổi chiếc ti vi to hơn cho hợp với phòng khách nhà mới của gia đình. Tôi rất e ngại cả nể vì nói gì thì nói, chị là sếp của tôi, về cương vị tuổi tác, về nghề nghiệp thì chị ấy đều ở trên cao, với lại tôi cũng mang ơn chị ấy nhiều nên tôi rất khó khăn để mở miệng đòi tiền.
Tuần trước sếp nói, xe của chị bị hỏng, cho chị vay tạm 5 triệu để sửa, 3 ngày chị trả. Vì cả nể và cũng chẳng còn cách nào để từ chối khi tôi vừa lấy lương tôi lại đưa tiền cho chị vay. Hôm qua, mẹ tôi ở quê gọi điện lên nói, mẹ lo đám cưới cho anh trai, có tiền cho mẹ mượn 1 ít. Nhưng tôi làm gì có nhiều tiền đâu. Đánh liều tôi sang phòng chị hỏi.
Rất tế nhị, gợi ý nhưng chị cứ làm như không biết, tảng lờ việc khác. Tôi vừa mở miệng nhắc đến khoản vay mua ti vi thì sếp sẵng giọng: “Cái vị trí của em tốn hàng trăm triệu cũng chẳng vào được. Em thế là quá hên, quá may mắn đấy nhé, đừng có mà đòi hỏi gì nữa”. Tôi cảm thấy rất ức chế. Tôi nói: “Nếu vị trí phó phòng của em mà phải đổi bằng tiền thì sếp nên nói thẳng với em để em lo liệu chứ chị vay tiền hoài mà không chịu trả cho em thì em biết lấy gì lo liệu gia đình”. Sếp đập bàn quát to và đuổi tôi ra ngoài kèm theo lời đe dọa: “Muốn lấy lại tiền cũng được nhưng cô cứ chuẩn bị tinh thần trả lại vị trí phó phòng cho tôi”.Thực sự tôi cảm thấy chán nản và cay đắng, không biết phải cư xử như thế nào cho phải phép. Tôi vừa mất tiền lại vừa phải mang ơn huệ, giờ lại làm sếp không bằng lòng. Tôi không biết tính sao đây.
Mai Châu
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.