Không hiểu sao đọc bài viết “Hãy cứ để con vẽ một quả… cà chua thối!”, tôi lại nhớ đến trường hợp con gái tôi ở trường. Những ngày đầu năm học mới, con bé rất háo hức vì được lên lớp lớn hơn, từ mẫu giáo bé sang mẫu giáo nhỡ. Thế nhưng, một hôm, con bé trở về và buồn rầu bảo: “Mẹ ơi, con xung phong làm tổ trưởng mà cô không cho”. Tôi hỏi sự việc thế nào thì được con kể, cô giáo bảo có bạn nào thích làm tổ trưởng thì xung phong. Con gái tôi rất nhanh chóng giơ tay nhưng cô đã không chấp nhận con bé, cô bảo: “Lần sau con ngoan, nghe lời cô, không nghịch ngợm, đi học sớm và ăn nhanh thì cô sẽ cho con làm tổ trưởng nhé”.
Lần khác, tôi đi đón con, cô giáo nhắc nhở con ngay trước mặt tôi: “Con nhớ ngoan, không đánh bạn, đi học sớm và ăn nhanh thì lần sau sẽ được vào đội văn nghệ biểu diễn nhé”. Ồ, hóa ra bấy lâu nay, chọn các bé để làm gì đó, các cô vẫn luôn dựa vào những tiêu chí “ngoan” cũ kỹ đó.
Con gái tôi là một cô bé cá tính, hiếu động, nghịch ngợm nhưng cũng rất tự tin. Khi còn học trường cũ, những điều này được các cô khuyến khích và coi đó là ưu điểm của trẻ. Tuy nhiên, từ ngày chuyển về trường học mới, con bỗng nhiên e dè và rụt rè. Thì ra, những ưu điểm của con không được khuyến khích, mà thậm chí, các cô còn coi đó là những nhược điểm khiến bé “chưa ngoan”. Ngoan trong mắt các cô giáo là vâng lời, không nghịch ngợm, ăn nhanh và đi học thật đúng giờ. Con gái tôi có thể ăn nhanh, có thể đi học đúng giờ, nhưng để bắt con ngồi yên cả buổi thì thật vô cùng khó. Có lẽ vì vậy, mặc dù con tôi thường xuyên xung phong vào đội văn nghệ hay làm các chức danh trong lớp thì đều không được.
Vợ chồng tôi, mặc dù cũng chẳng ham hố chuyện con có được làm tổ trưởng và vào đội văn nghệ hay không, nhưng thấy con buồn nên cũng hỏi han cô giáo cớ làm sao thì được cô trả lời rằng: “Con nghịch quá, sợ không tập trung và phá các bạn”. Tôi kể với cô rằng, lúc ở trường cũ, con biểu diễn trước đám đông rất mạnh dạn, tập trung động tác và là một trong những cây văn nghệ của lớp, thì cô giáo im lặng.
Thực ra, chuyện con không được làm tổ trưởng hay không được biểu diễn văn nghệ chẳng phải là to tát, thế nhưng, quan trọng sâu xa hơn, ấy là cá tính của trẻ không được tôn trọng, lòng tự tin bị dập tắt.
Con gái tôi vốn rất tự tin một khi cháu đã thích làm việc gì đó. Con thích múa hát, biểu diễn và cũng đã không ít lần biểu diễn tốt trên sân khấu. Tuy nhiên, khi con xung phong và không được làm tổ trưởng cũng như không được vào đội văn nghệ vì không đáp ứng được “tiêu chuẩn ngoan” của các cô giáo thì vô tình nó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự tự tin của con.
Con gái tôi buồn rầu nói với mẹ: “Mẹ ạ, cô giáo bảo con chưa ngoan nên không được làm tổ trưởng”, “Mẹ ơi, cô bảo con nghịch, lần sau con đừng nghịch thì cô mới cho vào đội văn nghệ”. Một đứa trẻ mới 4 tuổi mà đã bắt buộc con phải gò bó theo tiêu chuẩn “ngoan” của người lớn và khiến con cảm thấy kém tự tin vì không đủ “chuẩn” như vậy liệu có nên chăng?
Mới đây, tôi cũng đã đọc về một cô gái trẻ Nhật Bản quyết tâm phẫu thuật thẩm mỹ và đã trải qua 30 lần phẫu thuật thẩm mỹ để trở thành búp bê Pháp xinh đẹp chỉ vì lời chê của bố, rằng con xấu xí nên mới hay bị bắt nạt. Tôi thấy xót xa quá cho những đứa trẻ.
Con nghịch, con xấu đâu phải lỗi của con. Hãy nhớ rằng, giáo dục con trẻ, không gì hơn là giúp các con phát huy cá tính và sự tự tin trong cuộc sống. Bắt buộc các con theo một tiêu chuẩn ngoan và đẹp của người lớn không những mang lại những mặc cảm lớn cho trẻ mà còn tạo nên những nỗi ám ảnh lâu dài trong cuộc đời. Cá tính tạo nên sự khác biệt của mỗi người và sự tự tin giúp các con hòa nhập tốt hơn với cuộc sống, cớ sao, những người làm giáo dục, các bậc sinh thành lại nỡ dập tắt điều đó đi?
Lam Giang
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.