Không tẩy giun định kỳ, coi chừng trẻ tắc ruột

Không tẩy giun định kỳ, coi chừng trẻ tắc ruột

Cuối tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba ở Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn mửa. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị tắc ruột nghi do giun nên chỉ định mổ cấp cứu. Các bác sỹ vô cùng bàng hoàng khi phát hiện một búi giun to, đếm đến gần 150 con trong ruột cháu bé.

Mẹ cháu bé cho biết, từ khi sinh ra đến nay cháu chưa được đi khám, tẩy giun lần nào. Đây chính là nguyên nhân khiến số lượng giun trong ruột cháu bé có số lượng lớn và gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Trẻ nhiễm giun nguy hiểm thế nào?

Nhiễm giun đường ruột là bệnh lý khá phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, theo thống kê có tới 70-80% trẻ em bị nhiễm giun đường ruột, một phần do khí hậu nóng ẩm, phần khác do môi trường ô nhiễm, thói quen ăn uống thiếu vệ sinh, trẻ không được cha mẹ tẩy giun định kỳ. 

Không tẩy giun định kỳ, coi chừng trẻ tắc ruột
Rửa tay cho bé bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh giúp phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun (ảnh minh họa)

Nhiễm giun đường ruột làm cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, chậm lớn. Khi nhiễm giun nặng, giun chui vào ống mật chủ, ống tụy, ruột thừa và các vị trí khác, gây viêm đường mật, viêm túi mật, áp xe gan do vi khuẩn, viêm tụy hoặc hoàng đản tắc mật. Nếu trẻ bị nhiễm giun rất nặng, các búi giun có thể gây tắc ruột. Tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa chỉ đứng thứ hai sau viêm ruột thừa. Tắc nghẽn ruột kéo dài có thể trở nên phức tạp với biến chứng lồng ruột, xoắn ruột, xuất huyết hoặc hoại tử ruột. Với các bệnh nhân mắc bệnh thương hàn, giun có thể xuyên thủng thành ruột bị mỏng.

Dấu hiệu nhận biết trẻ nhiễm giun và tắc ruột do giun

Trẻ nhiễm giun đường ruột có thể có các biểu hiện như sau: Chậm phát triển về chiều cao và cân nặng, có thể trẻ còn bị suy dinh dưỡng; sụt cân bất thường; hay buồn nôn và nôn; đau quặn bụng; có giun trong phân.

Nếu trẻ bị tắc ruột do giun thì có thể nhận biết qua các triệu chứng như: Trẻ bị đau quặn bụng, cơn đau tăng dần; nôn ra giun; khám thấy thành bụng căng, kích thích phúc mạc vùng bụng, nhu động ruột giảm, để lâu sẽ có dấu hiệu không đại tiện được, nước tiểu ít.

Biện pháp hạn chế nhiễm giun

Tẩy giun định kỳ: Tốt nhất các bậc phụ huynh nên tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần. Tẩy giun thời gian quá sớm hoặc quá muộn so với mức 6 tháng/lần đều không tốt. Bởi thời gian cho mỗi lần tẩy giun cách nhau vài năm có thể không loại bỏ hết giun ra khỏi cơ thể. Ngược lại, tẩy giun quá sớm thì không cần thiết bởi nguy cơ tái nhiễm giun chưa xuất hiện.

Bên cạnh việc tẩy giun cho trẻ, các thành viên trong gia đình cũng nên tẩy giun đồng loạt cùng thời điểm để tránh lây nhiễm trứng giun.

Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ: Không để trẻ em chơi nơi đất cát, cắt móng tay thường xuyên vì trẻ để móng tay dài dễ nhét đất cát và lây nhiễm trứng giun. Không nên cho trẻ đi chân đất hoặc bò lê la dính đất để tránh ấu trùng giun móc chui qua da. Cho trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện. Người lớn cũng cần rửa tay sạch khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.

Vệ sinh đồ chơi thường xuyên: Trẻ thường xuyên cầm nắm đồ chơi hoặc cho vào miệng. Vì vậy, đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên để không trở thành nơi phát tán nguồn bệnh.

Thực phẩm sạch: Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, nước sạch không bị nhiễm trứng giun để nấu ăn cho trẻ. Luôn đảm bảo trẻ được ăn chín uống sôi. Thức ăn đậy kín không để ruồi, nhặng đậu vào.

Vệ sinh môi trường: Không để rác thải bừa bãi gần trẻ. Xử lý tốt phân, nước, rác xung quanh nhà cửa, bếp núc. Không dùng phân tươi bón ruộng, vườn.

Hồng Hạ

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.