Người ta vẫn nói hôn nhân là sự kết hợp của hai người dựa trên nền tảng tình yêu, nhưng điều đó có luôn luôn đúng? Trong một cuộc khảo sát 6.000 người đàn ông, có tới 31% thừa nhận rằng sẽ cưới người mình không yêu và 21% khẳng định sẽ lập gia đình với một người kém hấp dẫn.
Trong 7 tỷ dân trên khắp trái đất này còn bao nhiêu người như vậy nữa? Và đâu là nguyên do khiến người ta có thể quyết định chung sống trọn đời với một người mà họ không yêu?
Trong quá trình giải đáp nhcâu hỏi đó, chuyên gia tâm lý Mike Bundrant – người sáng lập trung tâm tư vấn nổi tiếng iNLP Center (California) đã phát hiện ra bốn nguyên nhân chủ yếu khiến con người đặt trái tim không đúng chỗ.
1. Kết hôn mù quáng vì sợ cô đơn
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Personality and Social Psychology đã chứng minh rằng nỗi sợ độc thân là nguyên nhân chủ yếu khiến người ta lao vào một mối quan hệ sai lầm. Theo nhà nghiên cứu Stephanie Spielmann, càng sợ độc thân thì người ta càng mù quáng khi đưa ra quyết định kết hôn.
Tâm lý này có thể khiến họ bị mắc kẹt trong mối quan hệ không hạnh phúc hoặc thậm chí, bên những người đối xử tệ bạc với họ. Trên thực tế, chính sự lo lắng thái quá về việc độc thân khiến họ bị phụ thuộc vào người yêu và cho anh/ cô ta cơ hội để xem thường mình.
Các nhà nghiên cứu thuộc đại học Toronto đã khảo sát rất nhiều người (ở mọi lứa tuổi và giới tính). Cuối cùng họ kết luận nỗi sợ độc thân không loại trừ bất cứ ai, dù là đàn ông hay phụ nữ. Kết quả này hoàn toàn đi ngược lại với quan niệm cho rằng chỉ có phụ nữ mới sợ cô đơn còn cánh nam nhi thì không.
2. Kết hôn vì thiếu hiểu biết về hôn nhân
Chuyên gia tâm lý Jake Eagle, đồng tác giả cuốn sách Dating, Relating and Mating nói rằng phần lớn chúng ta đang hẹn hò, tìm hiểu và thậm chí kết hôn với nhầm đối tượng.
Theo Eagle thì về bản chất, chúng ta:
- Không hẹn hò đủ nhiều người trước khi quyết định cưới ai đó.
- Quá dễ dàng chia sẻ bí mật và những điều thầm kín trong lần hẹn đầu (điều này khiến bạn lỡ mất cơ hội để từng bước tìm hiểu nhau và xây dựng mối quan hệ vững chắc).
- Quan hệ tình dục quá sớm.
- Quyết định kết hôn quá sớm khi chưa hiểu rõ về người kia (sau đó mới cố gắng để giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ).
- Không cân nhắc kĩ càng mức độ tương hợp trong mục tiêu, phong cách sống và thấu hiểu lẫn nhau.
- Không muốn chấm dứt một mối quan hệ dù không còn hạnh phúc vì bị các sức ép tâm lý khác chi phối (thiếu thốn tài chính, sợ cô đơn, sợ bị chê cười…).
Khi bạn thiếu kinh nghiệm hẹn hò hoặc đã cô đơn quá lâu, bạn có xu hướng dễ dàng thân mật dù chưa hiểu rõ về đối tượng. Đồng thời, bạn cũng vội vàng hơn khi quyết định kết hôn dù chưa có hình dung rõ ràng về việc chung sống trăm năm. Cả hai tình huống đều ẩn chứa nguy cơ tan vỡ cao độ.
Eagle cho rằng có nhiều người không lường hết được những hậu quả của việc kết hôn bốc đồng. Họ thường nghĩ về hôn nhân quá đơn giản hoặc quá vội vã muốn chung sống với ai đó đến mức gạt hết các bước tìm hiểu cần thiết trước khi quyết định kết hôn.
3. Kết hôn vì bị áp lực từ bên ngoài
Một số người quyết định kết hôn vì bị sức ép từ bên ngoài và những cuộc hôn nhân như thế này thường có chung một kết cục kém vui. Các lý do phổ biến nhất bao gồm:
- Gia đình, cha mẹ thúc giục bạn kết hôn (vì bạn đã đến tuổi lấy chồng, ông bà muốn có cháu bế, điều kiện của người yêu bạn quá tốt…) và bạn không thể cãi lời đấng sinh thành.
- Gia đình, cha mẹ ngăn cấm bạn đến với ai đó. Điều này vô tình tạo ra phản ứng ngược, khiến bạn muốn nổi loạn và quyết cưới người đó cho “bõ ghét”.
- Bạn thiếu thốn về tài chính trong khi người yêu lại giàu có và đảm bảo được tương lai no ấm.
- Tất cả bạn bè đều đã hoặc sắp sửa kết hôn và điều này khiến bạn thấy “chộn rộn” trong lòng.
- Bạn lỡ “dính bầu” với người ấy và không muốn bỏ giọt máu của mình.
- …
4. Kết hôn vì muốn… tự hủy hoại mình
Có lẽ bạn sẽ thấy lạ vì hội chứng tự hủy hoại (self-sabotage) hiếm khi được đề cập đến như một động cơ của hôn nhân. Tuy nhiên, một khi bạn hiểu được hội chứng tự hủy hoại có nghĩa là gì, vấn đề sẽ trở nên sáng tỏ.
Bạn có nhận thấy rằng rất nhiều người dường như luôn bị hút vào những mối quan hệ đau khổ? Chúng ta thường không thích những gì mình đang có mà chỉ khao khát điều không bao giờ thuộc về mình hoặc tệ hơn, làm mình khốn khổ. Đây là một biểu hiện của tâm lý tự hủy hoại và tâm lý này còn nối dài tới tận hôn nhân.
Vậy tại sao chúng ta lại có xu hướng tâm lý ngược đời như thế? Theo bác sĩ tâm thần Edmund Bergler, MD – một đồng nghiệp của Freud (nhà phân tâm học nổi tiếng của thế kỷ 20) thì đó là vì từ trong vô thức, chúng ta đã học để có thể thích nghi hoặc kỳ lạ là – thích thú với những trải nghiệm đau đớn và sự chối từ. Cộng đồng tâm lý học đã từng bị sốc khi bác sĩ Bergler nói rằng ở mức độ nào đó, chúng ta đang tìm kiếm những nỗi đau quen thuộc khi tự hủy hoại mình. Nhưng Freud đã đồng ý với Bergler và đã khởi sự viết về tâm lý khổ dâm của con người cho đến tận lúc qua đời.
Nếu con người có xu hướng tìm kiếm những nỗi đau lặp đi lặp lại, không thể xóa bỏ, chống cự hay thoát khỏi dù có mệt mỏi như thế nào thì có lẽ không bất ngờ gì khi chúng ta cứ luôn đặt trái tim nhầm chỗ.
Nguồn: Theo Psychcentral.com
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.