Ngày 8.3, đừng yêu cầu đàn ông rửa bát

Ngày 8.3, đừng yêu cầu đàn ông rửa bát

Cứ đến ngày 8.3, tôi lại ái ngại cho những quầy hoa xanh đỏ tím vàng bày khắp các con phố, những món quà đắt đỏ mỗi năm một kiểu nhan nhản trên những trang báo, những status khoe quà vừa ẩn ý vừa lộ liễu trên Facebook. 8.3 đơn giản là ngày 8 của tháng 3, vậy thôi mà sao lại phải bày vẽ nhiều chuyện nhiêu khê đến vậy.

Người ta cho rằng ngày 8.3 là ngày biểu trưng cho quyền bình đẳng của phụ nữ, nhưng giờ đây tôi thấy sự tồn tại của ngày này mới khiến cán cân bình đẳng chưa thể cân bằng. Nếu sự bình đẳng là có thật, nếu tình yêu và sự săn sóc mà người đàn ông dành cho bạn là có thật, tại sao lại cần một ngày để hô hào, để bắt anh ta phải nhớ đến và tri ân bạn. Trong khi, lòng yêu thương và sự thấu hiểu, theo tôi, nên là một điều tự nguyện nhẹ nhàng tự nhiên nhất.

Tôi không thấy cảm động và vui mừng khi người yêu mình hay chồng mình cần được báo đài hay đám đông nhắc nhở rằng đã đến ngày 8.3, ngày mà anh nên mua một bó hoa và về sớm ăn cơm với vợ, tốt hơn thì vào bếp tự nấu một bữa tối cho cả gia đình. Đấy là nghĩa vụ, một dạng quan tâm xuất phát từ dư luận xã hội và một phần lý trí chứ không phải từ trái tim. Nếu lựa chọn giữa việc được yêu từ trái tim và được yêu vì thói quen, bạn hẳn sẽ chọn trái tim chứ? Vậy tại sao bạn lại luôn đòi hỏi và mong ngóng tình yêu ấy phải được thể hiện vào một ngày bắt buộc, thay vì để nó đến một cách tự nhiên?

Dĩ nhiên đàn ông thời nay chưa hẳn ai cũng có thể ngọt ngào và chu đáo như những “soái ca” mà chị em vẫn thường đọc trong truyện ngôn tình, để bất cứ ngày nào trong năm cũng tuyệt vời như ngày lễ. Thế nhưng, nếu đòi hỏi đấng mày râu của mình bất chợt trở thành “soái ca” trong một ngày, và tự an ủi mình bằng vài hành động đó, hẳn chị em đã đi sai đường. Nếu anh ta tiện thể mua cho bạn một bó hoa, hay thậm chí vung tiền mua hẳn một chiếc dây đắt tiền chỉ để cho yên chuyện, điều đó không khiến anh ta yêu bạn hơn hay chứng tỏ được điều gì. Càng đòi hỏi, sự đòi hỏi càng chứng tỏ bạn chưa đủ mạnh mẽ để được bình đẳng, khi việc yêu và được yêu nên trải dài suốt mọi ngày chứ không phải chỉ một ngày.

Ngày 8.3, đừng yêu cầu đàn ông rửa bát

8.3 là ngày nữ quyền lên ngôi, nhưng không có nghĩa chúng ta nên phủ nhận nam quyền. Tôi thích hiểu về sự bình đẳng như là việc cả hai giới nên tận hưởng việc mình là nam hay là nữ, và tôn trọng người khác giới bên cạnh mình. Bình đẳng giới không có nghĩa là biến đàn ông thành phụ nữ, và khiến phụ nữ phải trở thành đàn ông. Nếu vậy sự tuyệt vời của tạo hóa khi tạo ra hai giới khác nhau còn nghĩa lý gì, và tôi sẽ chẳng bao giờ còn tận hưởng được niềm vui được là phụ nữ khi bên cạnh mình là những người đàn ông cũng nữ tính chẳng kém. Để tôn vinh sự nữ tính của phụ nữ cần có sự nam tính của đàn ông và ngược lại. Khi tôi yêu sự dịu dàng của một người phụ nữ và ngưỡng mộ sức mạnh của một người đàn ông, tôi thấy đó chính là sự bình đẳng khi chẳng ai lấn lướt vai trò của ai, cũng như chẳng ai có thể thay thế vị trí của ai.

Trong gia đình nhỏ của mình (nếu có) trong tương lai, tôi hẳn cũng sẽ vui vẻ khi chồng mình thi thoảng đề nghị được vào bếp chế biến một món ăn bí mật, chẳng cứ gì phải là ngày 8.3, nhưng vai trò chủ nhân của căn bếp ấy tôi vẫn muốn là mình nắm giữ. Bình đẳng giới trong ngôi nhà của mình, tôi không nghĩ phải là sự đong đếm liệu người chồng đã nấu bao nhiêu bữa cơm, rửa bao nhiêu cái chén, mà ở chỗ người vợ vui vẻ, hạnh phúc khi nấu bữa tối cho chồng, khi là phẳng phiu chiếc áo, khi gìn giữ ngôi nhà sạch sẽ thơm tho, và người chồng biết thương bữa cơm nhà, biết nhớ bàn tay người vợ để luôn mong ngóng trở về tổ ấm. Ấy là bình đẳng, khi cả hai biết trân trọng vai trò của nhau và hạnh phúc trong vị trí của mình, vị trí của người vợ chăm sóc nâng niu tổ ấm, vị trí của người chồng vững chãi ấm áp che chở cả gia đình.

Khi phụ nữ hạnh phúc vì được làm phụ nữ, thì mới xứng đáng được đàn ông trân trọng. Không ít người phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ, tự nhận mình là “bà mẹ bỉm sữa” để rồi cho phép mình trở nên lôi thôi, kém hiểu biết, lạc hậu cả trong ngoại hình lẫn tính cách. Tôi thấy người phụ nữ không đến cơ quan mà ở nhà chăm sóc chồng con luôn luôn đáng trọng, nhưng đó là khi họ tự tin với vai trò ấy, tự tin vừa biết công thức nấu ăn ngon vừa biết nhà hàng nào hợp khẩu vị gia đình, tự tin vừa thu vén nhà cửa vừa biết sắp xếp chuyến du lịch vừa rẻ vừa vui, tự tin đủ hiểu biết và sâu sắc để dạy dỗ con cái, tự tin về sự quan trọng của của mình để không bao giờ tự thấy yếu thế trước chồng. Làm một người nội trợ thông minh như thế, người chồng nào dám coi thường bạn?

8.3 sẽ qua rất nhanh thôi. Những người phụ nữ thông minh là người chẳng bao giờ lớn tiếng đòi hỏi nữ quyền, nhưng bằng sự dịu dàng và khéo léo thiên bẩm của mình, khiến đàn ông trân trọng việc họ là phụ nữ.

Bởi riêng việc bạn sinh ra là phụ nữ đã là rất tuyệt vời.

Nguồn: Theo Thanh niên

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.