Mới đây nhất, một chủ nhà nuôi chó ở Hà Nội đã bị chính đàn chó của mình cắn phải nhập viện. Ngoài ra, chính vì đặc thù biết giữ nhà nên nhiều trường hợp, chó sẽ bất ngờ tấn công người lạ, cắn bị thương, thậm chí dẫn đến chết người.
Lúc ấy, người bị chó cắn có được bồi thường hay không? Và ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó?
Luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo qui định của Điều 625 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại.
Còn nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Riêng với súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Tuy nhiên, nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình (như: chọc ghẹo thú nuôi, hay ăn trộm lẻn vào nhà và bị chó cắn) thì chủ sở hữu không phải bồi thường. Hay người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải cùng nhau bồi thường thiệt hại.
LS Thảo nhận định: “Chủ sở hữu của chó cắn người phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho sức khỏe của người bị cắn bao gồm các chi phí như: chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, bị giảm sút và mức thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của người bị chó cắn”.
Riêng với trường hợp chó cắn dẫn đến chết người, LS Thảo cho rằng người nuôi chó đó phải bồi thường cho phí cho việc cứu chữa, chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng nếu người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và khoản tiền khác để bù đắp tổn thất tinh thần.
Tuy nhiên trong trường hợp, xác định người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi làm cho chó cắn thì người nuôi chó sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
Có thể bị phạt tù 5 năm
Theo LS Nguyễn Thạch Thảo, bộ luật hình sự có quy định nếu để chó nuôi của mình gây ra chết người thì chủ sở hữu của chó nuôi đó sẽ bị xử lí hình sự theo điều 98 BLHS năm 1999 tội “Vô ý làm chết người”, với mức hình phạt từ 6 tháng đến 5 năm. Nghiêm trọng hơn, nếu việc để chó của mình gây chết nhiều người thì chủ của gia súc đó còn có thể bị phạt tù đến 10 năm.
Về việc bị chó cắn thì tố cáo với ai, LS Thảo cho biết nếu người dân không may bị chó nhà tấn công gây thương tích làm ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tính mạng thì tùy theo mức độ thiệt hại. Nếu nhẹ thì có thể tự thương lượng với chủ gia súc đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
“Nếu mức độ nặng hoặc không thể thương lượng, thống nhất số tiền bồi thường thì người bị hại có quyền trình báo chính quyền địa phương về sự việc bị chó cắn. Sau đó, có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc nếu bị chết người thì có thể yêu cầu xử lí hình sự với người nuôi chó đó”, LS Thảo nhấn mạnh.
Dùng chó tấn công người là mang tội Giết người
Ngoài ra, theo LS Cao Thế Luận (Công ty Luật TNHH Minh Mẫn) nếu chó cắn chết người, chủ sở hữu vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể được chia thành 3 trường hợp như sau:
Trường hợp đầu tiên, người chủ sở hữu chó nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả chết người đã xảy ra thì người này có thể chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS.
Trường hợp thứ hai, người chủ sở hữu chó nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả gây thương tích cho người bị cắn xảy ra; dù không mong muốn hậu quả chết người nhưng thực tế gây hậu quả chết người đã xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật hình sự.
Trường hợp thứ ba, người chủ sở hữu không mong muốn có hậu quả xảy ra nhưng do cẩu thả trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người” theo Điều 98 Bộ luật hình sự.
“Chó cắn chết người thì người nuôi chó còn phải chịu trách nhiệm dân sự theo chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự”, LS Luận giải thích.
Nguồn: Theo Thanh niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.