Người Sài Gòn bị ‘chặt chém’ như chơi ở Hà Nội

Người Sài Gòn bị 'chặt chém' như chơi ở Hà Nội
Người Sài Gòn bị 'chặt chém' như chơi ở Hà Nội
Nhiều người Sài Gòn ra Hà Nội từng bị ăn phở “giá cao” – Ảnh: Thúy Hằng

“Chém” từ quả mận tới bát phở

Cách đây hai ngày, hai vợ chồng anh Nguyễn Thanh Toàn từ Sài Gòn ra Hà Nội công tác. Đi ngang bờ hồ Ngọc Khánh (gần công viên Thủ Lệ, quận Ba Đình), vợ chồng anh Toàn thấy mận trên xe đạp bán rong hấp dẫn nên ghé lại mua. Tuy nhiên, anh Toàn phải mất 100.000 đồng để mua 400 gram mận , tổng cộng được hơn 30 quả mận bé xíu.

“Vợ tôi hỏi, người ta là mận bao nhiêu tiền một ký (1 kg), chị ấy nói “25 nghìn em”, chúng tôi nói mua 1 kg, cô bán hàng thoăn thoắt bốc từng nắm cho cho vào bao. Đến khi chúng tôi gửi tiền, cô ấy quát “25.000 đồng 1 lạng”. Gương mặt cô biến sắc rất nhanh, ánh mắt thì sắc nhọn. Tôi đành nói, thế thì tôi mua 4 lạng thôi. Dứt lời, tay cô ấy bốc nhanh hơn. Cô ấy bốc toàn trái màu đỏ không. Hai vợ chồng nhìn nhay rồi lẳng lặng bỏ đi. Có thể nghe tôi nói giọng Nam nên các cô ấy mới bán như vậy. Tôi chưa dám ăn quả mận nào, còn chụp ảnh để làm kỷ niệm”, anh Toàn kể lại.

Anh Toàn nói vui: “Không biết số mình thế nào mà lần nào ra Hà Nội cũng bị các cô bán hàng la mắng, rõ là khổ”.

Người Sài Gòn bị 'chặt chém' như chơi ở Hà Nội

Toàn bộ số mận anh Thanh Toàn mua với giá 100.000 đồng ở gần hồ Ngọc Khánh, Hà Nội – Ảnh anh Thanh Toàn cung cấp

HLV thể dục dục cụ Trương Minh Sang (người TP.HCM, đang sống và làm việc tại Hà Nội) chia sẻ, anh nhiều lần hú vía khi đi ăn ngoài phố Hà Nội.

“Có lần làm xong chương trình Gala thể dục về muộn, hai vợ chồng tôi vào một quán phở gà ở Đội Cấn, quán có 2-3 thanh niên có vẻ hầm hố bán hàng. 2 vợ chồng tôi vẫn vào ăn bình thường, gọi 2 bát phở và 2 đùi gà ăn thêm. Lúc đang ăn thì một đôi ngồi đối diện tính tiền. Chủ quán tính như sau: 2 bát phở 100.000 đồng, 1 đùi gà 250.000 đồng, tổng cộng là 350.000 đồng. Ông khách hỏi đùi sao đắt thế thì chủ quán bảo: “Tảng đùi gà em chặt cho anh chị to nên đắt hơn đùi gà bình thường”. Ông khách ậm ừ xong trả tiền. Chúng tôi sợ quá, bảo quả này mình phải trả 600.000 đồng rồi, xác định mất tiền rồi. Tôi đành lớn giọng gọi thêm 2 trà đá nữa, uống một lúc mới dám gọi tính tiền, nhưng ngạc nhiên mình chỉ mất 276.000 đồng. Chắc vì giọng tôi tỏ ra “đanh đá”, anh Trương Minh Sang nhớ lại.

Hai người bạn của HLV Trương Minh Sang từng phải trả 60.000 đồng/phần xôi ở Hà Nội, trong khi mức giá ở đây là 20.000 đồng/phần.

“Bạn tôi nói giọng Nam, cả hai cạo trọc đầu trông rất hầm hố, thế mà vào quán xôi vẫn bị chém như thường. Lúc kể với tôi nhìn mặt ỉu xìu thấy thương”, anh Trương Minh Sang kể.

Im lặng vẫn chưa thoát

Nhiều người Sài Gòn ra Bắc truyền nhau kinh nghiệm tránh bị “chém” đắt ở Hà Nội.

Ông Trần Hùng Kiên, phóng viên ảnh của một tạp chí trong TP.HCM cho biết cách đây 5 năm, ông ra Hà Nội và bị “chặt chém” ở quán phở trên vỉa hè. “Tôi thấy người ta chỉ mất có 20.000 đồng/tô, tôi và một người bạn nữa vào ăn, ăn xong mỗi người bị “hét” 75.000 đồng/tô, giờ vẫn còn nhớ”.

Người Sài Gòn bị 'chặt chém' như chơi ở Hà Nội

Nhiều người Sài Gòn ra Hà Nội và bị ám ảnh bởi chuyện họ dễ “bị chặt chém” – Ảnh: Lê Nam

Ông Kiên cho biết từ lần đó về sau, mỗi khi ra Hà Nội, đi đâu ăn uống, mua gì, ông chỉ trỏ tay và không nói gì. Mua nải chuối sẽ chỉ nải chuối, được giá thì móc ví, không thì đi thẳng. Còn nếu đi ăn với người địa phương, ông Kiên không dám gọi món, sợ chủ quán biết mình là giọng Nam thì khổ.

“Thế nhưng có lần, im lặng được suốt buổi rồi, đến lúc tính tiền, mình cao hứng theo thói quen hô lớn “tính tiền em ơi”. Thôi xong, hôm đó phải trả cái giá đẹp, 70.000 đồng/tô phở bình thường ở Hà Nội”.

HLV Trương Minh Sang chia sẻ kinh nghiệm 12 năm sống ở Hà Nội để thoát khỏi cảnh bị trả tiền cao hơn bình thường: “Tôi hiểu tính cách của các quán ăn ngoài này, đặc biệt là các quán vỉa hè, phở bún… Giọng miền Nam mà hiền hiền là hay bị “chặt chém” và bị thái độ ngay. Tôi đã từng nhiều lần nói thẳng cho mấy nhân viên phục vụ quá thái độ”.

“Khi đi ăn tuỳ vào tính huống rồi nói sao cho chủ quán và nhân viên thấy mình không dễ bắt nạt là ok, vì nhiều quán ăn ngoài ở Hà Nội họ phục vụ cũng thường nhìn vào thái độ của khách lắm. Sài Gòn cũng có nhưng không nhiều, chỉ nằm ở các khu du lịch là chính. Nói chung là khi vào quán ăn mà không thấy để menu giá cả thì mọi người nên hỏi giá cho chắc”, anh Sang khuyên.

Nguồn: Theo Thanh Niên

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.