Nguyên tắc điều trị của y học cổ truyền đòi hỏi người thầy thuốc phải nhạy bén, vận dụng tứ chẩn, bát cương, phân tích quy nạp bệnh, định hướng chữa bệnh đó.
-
1
Phép hãn (làm ra mồ hôi)
Là phép làm cho ra mồ hôi khi tà khí còn ở phần biểu. Nếu cảm phong hàn, ngoài bấm huyệt ra, bài thuốc thường dùng là hương phụ 10g, tử tô, trần bì 10g, cam thảo 3g, sắc uống ngày một thang. Nếu cảm phong nhiệt, ngoài dùng bấm huyệt thì dùng bài thuốc: Tang cúc ẩm, lá dâu 12g, cúc hoa 3g, liên kiều, bạc hà, rễ sậy 6g, hạnh nhân, cát cánh 8g, cam thảo 5g sắc uống ngày một thang.
-
2
Phép thổ (làm nôn)
Là phép làm chữa bệnh có độc còn lưu đọng ở dạ dày, hoặc đờm rãi làm tắc nghẽn khí quản. Ngoài dùng bấm huyệt nên dùng thuốc muối ăn 1 nắm, ô mai 12 quả, hai thứ này sắc uống hoặc dùng dành dành 1 quả, can khương 25g, sắc uống. Phép thổ không dùng cho người suy nhược, người già, phụ nữ có thai.
-
3
Phép hạ
Là phép gây xổ để chữa bệnh thuộc hữu hình như táo bón, huyết ứ, đờm nước ngưng kết cần được xổ ra ngoài. Bài thuốc thường dùng là đại hoàng, hậu phác, chỉ thực 10g, sắc uống ngày 1 thang. Người già yếu, phụ nữ có thai, trẻ em không dùng phép này.
-
4
Phép hòa (điều hòa cơ thể)
Là phép dùng các huyệt vị hoặc có thuốc có tác dụng hòa giải. Bài thuốc: Sài hồ, hoàng cầm, sinh khương 8g, đẳng sâm, bán hạ chế 12g, đại táo 15g, cam thảo 4g, sắc uống ngày 1 thang. Không dùng phép này khi nói mê, táo bón, khát nước.
-
5
Phép ôn (làm ấm)
Giúp chữa các bệnh ỉa chảy, mất nước gây trụy mạch, ra mồ hôi nhiều, mất máu nhiều gây choáng, bệnh thực hàn mới được dùng. Ngoài dùng bấm huyệt, kết hợp dùng bài thuốc: Phụ tử chế 20 – 30g, can khương 15 – 20g, cam thảo 20 – 25g sắc uống.
-
6
Phép thanh (làm mát)
Ngoài dùng châm cứu, bấm huyệt, kết hợp dùng những vị thuốc phải tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh và vị trí của nhiệt tả, để sử dụng thuốc cho thích hợp. Dùng thuốc cay mát để thanh nhiệt như thạch cao, trúc diệp; dùng thuốc đắng lạnh để tả hỏa như hoàng liêu, khổ sâm; dùng thuốc mát huyết như sinh địa, huyền sâm…
-
7
Phép tiêu
Là phép làm tiêu hoặc phá vỡ các khối kết ngưng tụ trong cơ thể. Ngoài dùng bấm huyệt, phải dùng thuốc. Nếu để tiêu thức ăn dùng sơn ta, mạch nha, thần khúc. Nếu để thông khí dùng các vị chỉ xác, hậu phác, hương phụ, ô dược, trần bì… Nếu tiêu đàm dùng trần bì, bán hạ chế, bối mẫu, trúc như, bạch giới tử.
-
8
Phép bổ
Chia ra làm 4 loại. Bổ khí dùng đẳng sâm, bạch truật, phục linh, trích cam thảo 10 – 15g, sắc uống ngày 1 thang, tác dụng bổ khí, dưỡng tỳ, kiện vị chữa chứng ăn uống kém, mệt mỏi, viêm loét dạ dày… Bổ huyết dùng thục địa, đương quy, bạch thược, xuyên khung 10 – 15g sắc uống chữa chứng huyết hư, kinh nguyệt không đều, dị ứng… Bổ âm dùng bài thục địa, hoài sơn 20g, sơn thù 10g, phục linh, trạch tả, đơn bì 8g sắc ngày uống 1 thang chữa chứng can thận âm hư, lưng gối mỏi yếu… Bổ dương dùng thục địa 20g, sơn thù 10g, hoài sơn10g, phụ tử chế 12g, đơn bì, phục linh, trạch tả 8g sắc uống ngày 1 thang tác dụng chữa đau lưng mỏi gối, lưng và chi dưới lạnh… Chú ý dùng phép này là bổ đúng phần bị hư, không có hư không dùng.