Du lịch tâm linh là loại hình mới mẻ của du lịch Việt Nam. Đây là một hình thái du lịch đặc thù, nhằm thỏa mãn các nhu cầu: thưởng ngoạn, thư giãn và tín ngưỡng của du khách.
Sau đây là một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu tại Việt Nam.
-
1
Chùa Hương
Chùa Hương là một trong những quần thể văn hóa tâm linh với nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Khu vực chính là chùa Ngoài hay chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò, nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào thì xuống đò ở đây mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch, có một tháp chuông ba tầng mái được dựng ở sân thứ ba. Chùa Chính, tức chùa Trong là một động đá thiên nhiên với 120 bậc lát đá, vách trước cửa động có năm chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động”. Hội chùa Hương kéo dài từ 6/1 đến tháng 3 âm lịch, đây cũng là giữa mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi, khí trời mát mẻ.
-
2
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử nằm ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang lộng lẫy, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ tăng.
Chùa Lân nằm trên một quả đồi có hình dáng một con lân nằm phủ phục. Hiện thời ngõ chùa Lân vẫn còn lưu dấu tích xưa, ngõ dài, rộng, hai bên có nhiều tháp mộ các nhà sư. Các công trình chính của chùa gồm Chính điện, Nhà thờ Tổ, Lầu trống, Lầu chuông, Nhà tăng, La Hán đường… Bài trí trong chùa đơn giản, dùng ngay chữ quốc ngữ trên các hoành phi, câu đối.
-
3
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử cách Hà Nội khoảng 85km về phía Tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất của Việt Nam được xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự.
Nằm trên độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, công trình mang đậm dấu ấn một ngôi chùa Việt Nam với phong cách kiến trúc đương đại. Đường lên Thiền viện uốn lượn quanh co men theo các triền núi phủ bóng thông xanh. Càng lên cao, con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục. Dưới chân núi, ruộng đồng, đường sá, nhà cửa bỗng như lùi lại vào một cõi xa xăm để nhường chỗ cho tiếng gió vi vu, tiếng chuông chùa ngân vọng…
-
4
Chùa Bái Đính
Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống, chính vì vậy nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng.
Bái Đính cổ tự nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía đông nam men theo sườn núi Đính. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, hang sáng thờ Phật, động tối thờ mẫu và tiên. Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.
-
5
Đại Nam Văn Hiến
Đại Nam Văn Hiến (hay Đại Nam Quốc Tự) là một khu du lịch tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Điểm nhấn quan trọng của Khu du lịch là công trình trọng điểm đền Đại Nam Văn Hiến. Cổng tam quan to lớn phía trước khi vào Đại Nam Quốc Tự là cổng Thanh Vân, có các câu đối ca ngợi non sông Việt Nam. Kiến trúc của cổng Thanh Vân hoàn toàn xây dựng bằng chất liệu gỗ từ trong ra ngoài. Phía trước là bến xe điện và nhà rường kiểu Huế ở cả hai bên được lợp bằng ngói lưu li xanh, phía sau là dãy hành lang miêu tả 54 dân tộc Việt Nam trải dài theo cổng Tam Quan. Kim Điện là một công trình kiến trúc Việt cổ có diện tích 5.000 m² với chất liệu chính là gỗ, đá và mạ vàng.