Trẻ con như tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Bố mẹ bạo lực ắt con cũng sẽ dùng sức mạnh tay chân để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Ngược lại, bố mẹ biết cách ứng xử, giao tiếp ôn hòa, trẻ cũng vì thế mà biết kính trên nhường dưới.
Chúng ta vẫn thường bắt ép con phải ứng xử, hành động theo những quy tắc chuẩn mực trong sách vở, nhưng mấy ai hiểu rằng bài học đầu tiên, đắt giá và cũng ảnh hưởng lâu dài nhất trong đầu con trẻ chính là từ bố mẹ chúng.
Sử dụng bạo lực trước mặt trẻ
Bố mẹ sử dụng bạo lực trước mặt trẻ, vô tình hình thành trong đầu trẻ suy nghĩ coi bạo lực là điều hiển nhiên. Trẻ nhỏ thích bắt chước, học cái đẹp hay cái xấu đều rất nhanh. Bạo lực khiến trẻ hiểu rằng đây là cách duy nhất để giải quyết mọi vấn đề. Lớn lên bé dễ có xu hướng trở thành người ưa dùng bạo lực.
Hét trước mặt trẻ
Bất cứ bố mẹ nào cũng có những giây phút phát điên vì con trẻ, vì cơm áo gạo tiền, vì cuộc sống bí bách. Dù vì lý do gì, bố mẹ cũng nên kiềm chế cảm xúc của mình. Có thể khi hét lên như vậy, bố mẹ được giải tỏa phần nào sự khó chịu trong mình. Nhưng điều này lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của bé. Bé sẽ trở nên dễ kích động, cáu bẳn với tất cả mọi thứ.
Không quan tâm đến cảm xúc của trẻ
Nhiều bố mẹ sai lầm khi cho rằng trẻ con thì chưa biết gì, trẻ con thì làm gì có cảm xúc. Ngược lại, con trẻ rất nhạy cảm và yêu ghét rõ ràng. Bố mẹ cần học cách lắng nghe trẻ khi trẻ gặp vấn đề.
Không quan tâm đến ý kiến của trẻ
Phủ nhận ý kiến của trẻ, coi đó là suy nghĩ ngớ ngẩn trẻ con là điều các bố mẹ vẫn thường làm. Tuy nhiên việc này lại tác động khá tiêu cực đối với trẻ. Trẻ đang hào hứng đưa ra suy nghĩ của mình, bỗng bị dội một gáo nước lạnh từ bố mẹ, dần dần trẻ sẽ rụt rè, thiếu tự tin, không thẳng thắn, ngại đưa ra và bảo vệ luận điểm của mình. Bởi vậy, khi con trẻ phát biểu suy nghĩ, bố mẹ nên kiên nhẫn lắng nghe. Nếu chưa hợp lý, có thể ngồi lại và từ từ giải thích cho con hiểu và đừng vội phủ nhận tất cả.
Chửi thề mọi lúc mọi nơi
Hãy cho con môi trường ngôn ngữ trong sáng hồn nhiên nhất có thể, đúng với lứa tuổi của con. Không nên sử dụng những từ ngữ không hay trước mặt trẻ. Như đã nói ở độ tuổi này, trẻ bắt chước và nhớ rất lâu.
Chê bai trẻ trước mặt mọi người
Đây là tâm lý chung của hầu hết ông bố bà mẹ Việt. Chê bai trẻ trước mặt người khác khiến trẻ bị tổn thương và hình thành tâm lý phản kháng. Nếu không tin hãy thử chê con mình khi con chưa biết chào hỏi hàng xóm với những câu như “thế là con hư rồi, không ngoan rồi”, trẻ thậm chí sẽ mãi mãi không biết chào hỏi và mím chặt môi bày tỏ sự cáu giận.
Việt Hà – Nguồn: BS
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.