Nỗi lòng nàng dâu bị gia đình chồng cấm không cho về thăm bố đẻ đang trong cơn nguy kịch

Nỗi lòng nàng dâu bị gia đình chồng cấm không cho về thăm bố đẻ đang trong cơn nguy kịch

Từ xưa ông bà ta vẫn nói “xuất giá tòng phu”, tôi một phụ nữ hiện đại, năng động, tự chủ hoàn toàn về tài chính cũng thực hiện đúng với tiêu chuẩn đó. Suốt 10 năm lấy chồng chưa bao giờ tôi dám đi đâu (ngoại trừ đi công tác) mà chưa được chồng và nhà chồng cho phép (kể cả về nhà mẹ đẻ). Có lẽ sự ngoan đạo, cung cúc cung phụng chồng và nhà chồng đã đẩy tôi vào tình cảnh trớ trêu như hiện nay. Tôi đã từng chịu sự tủi nhục, lạnh nhạt của nhà chồng khi tôi không làm theo ý họ.

Tôi năm nay 36 tuổi, có chồng và 2 con trai. Tôi là trưởng phòng nhân sự của một công ty liên doanh có tiếng. Còn chồng tôi là công chức nhà nước, lại có tính gia trưởng và bảo thủ rất lớn. Gia đình chồng tôi thuộc diện gia giáo, kinh tế khá giả nhưng có tính gia trưởng tuyệt đối. Họ luôn đòi hỏi người con dâu, người phụ nữ luôn phải thực hiện đúng thiên chức, đúng tiêu chuẩn của các cụ xưa để lại. Tôi chưa bao giờ phản kháng lại chuyện đó bởi tôi nghĩ việc phụ nữ đảm đang, ngoan ngoãn, lễ phép và hơn hết thực hiện đúng “công- dung- ngôn- hạnh” chính là một điều đáng ca ngợi. Vì vậy ngoài công việc cơ quan của mình tôi luôn nỗ lực cố gắng, suốt thời gian đó gia đình chồng và chồng rất hài lòng về tôi. Tuyệt nhiên chưa khi nào tôi hay bố mẹ tôi bị chỉ trích, phàn nàn. Họ hàng đằng chồng cũng lấy tôi làm hình mẫu để giáo huấn, làm gương cho những chị em dâu khác. Hơn 5 năm nay, vợ chồng tôi đã ở riêng nhưng tôi vẫn phải làm theo những quy định “gia truyền” của nhà chồng: phụ nữ không được về muộn quá 9h tối; phải chu toàn việc nhà; mọi vấn đề con cái, đối nội đối ngoại phụ nữ phải lo hết; không được làm gì mà chồng không đồng ý; mọi việc lớn chỉ được làm khi có ý kiến của chồng… và hàng tá những nguyên tắc khác mà nhất thời tôi chẳng thể nhớ nổi.

Nỗi lòng nàng dâu bị gia đình chồng cấm không cho về thăm bố đẻ đang trong cơn nguy kịch

Nhiều khi tôi quay cuồng trong công việc, gia đình, chồng con mà đồng nghiệp, bạn bè của tôi ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Dù có ốm liệt giường tôi cũng phải thức dậy lúc 7 giờ sáng chủ nhật để đến “vấn an” bố mẹ chồng… nhiều lúc tôi như kiệt sức.

Chuyện cũng chẳng có gì đáng kể, nếu như không có sự cố hôm vừa rồi. Tuần trước, bố chồng tôi qua đời vì bạo bệnh, vì là con dâu trưởng tôi lo chu toàn mọi chuyện hậu sự cho cụ để chẳng ai chê trách được lời nào. Nhưng khi vừa an táng bố chồng tôi xong, thì bố đẻ tôi bị tai nạn giao thông trên đường khi ra viếng bố chồng tôi về. Vì công việc gia đình nên tôi và chồng đều tắt điện thoại di động, gia đình tôi chẳng liên lạc được nên  phải gọi vào điện thoại bàn. Mẹ chồng tôi nghe rồi chỉ lẩm bẩm “ai khiến chứ, già rồi còn bày đặt tiết kiệm đi xe máy làm gì” rồi tuyệt nhiên không nói với tôi lời nào; tôi nghe mẹ nói vậy nhưng chẳng biết chuyện gì nên không hỏi. Tôi vẫn cứ dọn dẹp, chuẩn bị đồ cúng lễ như không có chuyện gì. Vì chẳng thấy tôi và chồng gọi lại, nên các em tôi lo lắng, gọi tiếp. Lần này tôi nghe máy, tôi như chết đứng khi biết tin bố đang rất nguy kịch, tôi về ngay để gặp bố lần cuối; em trai tôi cũng nói đã báo với mẹ chồng tôi từ sáng rồi. Tôi thương bố mẹ đẻ và giận mẹ chồng. Tôi bỏ tất cả mọi việc ở nhà chồng lại, lên thông báo với mẹ và chồng cho tôi về quê, bố tôi rất cần tôi. Chồng tôi cũng sốc vì mẹ chồng biết chuyện từ sáng mà không nói. Mẹ lạnh lùng đáp “nói để vợ anh đi, ai lo chuyện. Sống chết có số rồi, nếu số ông nhà chết thì cô về bố cô cũng chết. Nếu gia đình bên ấy cần tiền thì anh chị chuyển khoản đi. Sáng mai tạ mộ bố xong, làm cơm ba ngày rồi chiều hai vợ chồng về thăm cũng chưa muộn”. Tôi nghe mẹ chồng nói mà lạnh sống lưng, sao bà lại lạnh lùng đến vậy. Mẹ nói như một người chẳng có cảm xúc, băng giá, ích kỷ và vô tâm. Tôi lại chết đứng như từ hải khi chồng cũng nói “phải đấy, để anh ra chuyển khoản cho cậu, trưa mai hai vợ chồng về luôn”. Tôi nhất quyết không chịu, bố tôi đang nguy kịch, liệu ông có đợi được tôi không. Vả lại việc hiếu của gia đình chồng tôi đã lo toan đến mồ yên mả đẹp rồi, chỉ cần làm cơm cúng thì ai làm chẳng được, sao nhất định phải là tôi. Tôi nói với chồng và mẹ chồng như cầu xin “con xin mẹ và anh, nghĩa tử là  nghĩa tận. Chữ hiếu với bố chồng con đã hoàn thành, xin cho con về gặp bố con, ông đang nguy kịch, không biết có qua được không. Mẹ và hai thím làm cơm cúng hộ con”. Tôi mới nói đến thế mẹ chồng đã cướp lời “cô biết nghĩa tử là nghĩa tận mà còn đòi về à? Cô là dâu trưởng, chồng cô là trai trưởng đấy, cúng tạ mà không có hai đứa được không? Nếu muốn đi thì hai vợ chồng viết giấy từ chức con trưởng đi”. Tôi chẳng còn lời nào để nói với mẹ chồng, quay sang nhìn chồng như cầu cứu, nhưng anh cũng lạnh lùng nói “không, trưa mai lễ xong về luôn”. Đứng trước hai con người ích kỷ đó, tôi chẳng biết nói gì, nước mắt lã chã rơi. Tôi quyết tâm về cho dù họ không đồng ý, bố tôi và gia đình cần có tôi hơn họ. Tôi nói dù không đồng ý tôi vẫn về, người chết đã chết rồi nhưng tôi phải làm tròn chữ hiếu với người con sống. Tôi quỳ xuống trước bàn thờ bố chồng, dập đầu tạ lỗi rồi xách túi ra xe, mặc cho mẹ chồng và chồng nói với “cô đi luôn đi, dọn luôn về nhà đẻ cô đi. Đừng bước chân lại nhà tôi nữa. Đồ con dâu bất hiếu”.

Suốt quãng đường về quê, tôi cứ khóc mãi không thôi, tôi trách mình quá nhu nhược để gia đình họ chèn ép. Tôi quyết rồi, tôi sẵn sàng đối diện với thái độ của họ. Việc trước mắt tôi giờ chỉ là về gặp bố tôi, làm gì đó để bố tôi qua khỏi.

Rất may, bố tôi phẫu thuật kịp thời, cụ qua cơn nguy kịch nhưng vẫn hôn mê sâu. Bác sĩ nói chưa xác định được thời gian tỉnh, gia đình vẫn phải chờ đợi. Việc tai nạn mà mẹ tôi chỉ xây sát nhẹ và bố tôi vẫn sống là điều may mắn, hạnh phúc đối với tôi. Nhưng nghĩ đến những ngày sắp tới, đối diện với chồng và gia đình chồng tôi không khỏi chạnh lòng, chua xót.

Sau khi tôi đi, chồng và mẹ chồng khỏi phải nói giận tôi vô cùng. Chiều ngày hôm sau, chồng tôi có về thăm bố rồi đi luôn, thái độ với gia đình tôi không có gì thay đổi. tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng trước khi đi anh nói nhỏ vào tai tôi “em cứ ở đây với bố đi, không về cũng được. Mọi việc ở nhà ổn rồi, không có em thì sẽ có người khác lo. Cứ tròn chữ hiếu với bố em, còn bố tôi chết rồi, chẳng cần đâu”. Chỉ nghe anh nói vậy, tôi biết họ vẫn giận và không thông cảm cho thái độ của tôi. Mặc kệ, tôi cắt phép ở lại chăm bố 5 ngày. Mỗi ngày chồng tôi vẫn gọi điện cho em trai tôi, hỏi thăm tình hình bố nhưng tuyệt nhiên không hỏi tôi lời nào.

Tôi trở về nhà, chồng tôi mặt lạnh tanh, như chẳng nhìn thấy. Tôi chào anh rồi dọn dẹp “bãi chiến trường” của ba bố con những ngày tôi đi vắng. Nấu bữa tối cho gia đình xong, tôi nói với anh qua nhà mẹ thắp hương cho bố. Anh gật đầu đồng ý. Tôi đến nơi, gọi cửa, mẹ chồng tôi ra thấy tôi thì không mở cửa hỏi tôi đến làm gì, không cần phải đến, về quê mà chăm bố, còn tuyệt nhiên không một lời hỏi thăm bố tôi. Vì xác định tư tưởng trước nên tôi vẫn bình tĩnh, xin mẹ vào thắp hương cho bố và xin lỗi mẹ vì thái độ hôm trước. Mẹ lạnh lùng nói “hương khói thắp suốt ngày ngột ngạt lắm. hoa quả cũng nhiều rồi, không cần của cô đâu. Tôi mệt phải nghỉ, cô về đi”. Rồi mẹ mặc kệ tôi đứng ngoài cửa gọi. Tôi thất vọng về cách hành xử của mẹ chồng, về nói với chồng thì anh đáp “em sai rồi, giá như hôm đó em ở lại đến trưa hôm sau thì có gì để nói. Anh thì không sao, nếu mẹ tha thứ cho em anh sẽ ô- kê ngay”. Tôi xin lỗi anh rồi nhờ anh nói với mẹ hộ tôi. Tôi đã nhỏ nhẹ, quỵ lụy hết mức thì chồng tôi cũng phải mủi lòng.

Mấy ngày nay, mẹ chồng vẫn chưa cho tôi vào nhà, chưa nói chuyện với tôi mặc dù chồng tôi đã “ra tay” nói hộ. Tôi chẳng phải sang “vấn an”, dọn dẹp, cơm nước thấy sao mà nhẹ nhàng, thoải mái. Tôi thấy mình được tự do khi chỉ phải lo cho gia đình nhỏ. Đôi khi tôi nghĩ thấy mẹ chồng tôi quá ích kỷ, cũng là phận đàn bà sao bà chẳng thương tôi? Có lẽ vì tôi nhu mì, ngay từ đầu đã “thuần phục” họ nên họ mới có thái độ đó với tôi. Với những gì tôi đã và đang gánh chịu, tôi đã hạ quyết tâm sẽ sống cho mình và gia đình nhiều hơn, tôi sẽ hành động để thay đổi quan niệm nhà chồng bảo sao thì làm vậy, đặt đâu thì ngồi đó, quan niệm đó không phù hợp nữa rồi. Nghĩ đến mẹ chồng tôi thầm nhủ: “mẹ cứ đợi đó, con sẽ chẳng nhu nhược nữa đâu. Con vẫn là con dâu ngoan nhưng từ giờ mẹ phải làm theo ý con…” chỉ nghĩ đến đó thôi, lòng tôi vui sướng khấp khởi, tôi sẽ mở ra một “kỷ nguyên mới” trong gia đình cổ hủ này, để các con dâu của tôi sau này sẽ chẳng phải khổ, phải khúm núm sợ sệt như tôi.

Thu An

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.